Các quầy hàng rong có thể vực dậy nền kinh tế Trung Quốc?

Khi Trung Quốc đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra vào năm 2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đó đã đưa ra ý tưởng tạo việc làm bằng cách khuyến khích những người bán hàng rong mở cửa hàng trên khắp đất nước. Lời rao đó nhanh chóng bị các cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bác bỏ, người đã mô tả ngành thương mại truyền thống này là “thiếu vệ sinh và thiếu văn minh”.

Chỉ ba năm sau, cục diện đã xoay chuyển như thế nào.

Trong một sự đảo ngược chính sách lớn, “nền kinh tế bán hàng rong” đang quay trở lại với việc nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong và khuyến khích thanh niên thất nghiệp mở các quầy hàng ngoài trời như một cách để hồi sinh nền kinh tế và thúc đẩy việc làm.

Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc và là thành phố giàu thứ ba, tuần trước đã thông báo rằng họ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với những người bán hàng rong, cho phép họ hoạt động từ đầu tháng 9 tại các khu vực được chỉ định.

Thâm Quyến đang gia nhập danh sách các thành phố lớn đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong năm nay, bao gồm Thượng Hải, Hàng Châu và Bắc Kinh, sau nhiều năm đôi khi có các chiến dịch bạo lực chống lại việc bán hàng rong. Chính quyền thành phố đang khuyến khích người dân thành lập các quầy hàng hoặc xe đẩy trên đường phố ở một số khu vực nhất định, nơi họ có thể bán đặc sản địa phương, đồ ăn nhẹ, quần áo hoặc đồ chơi.

Các nhà phân tích coi sự nới lỏng hiện tại là một biện pháp tuyệt vọng của chính phủ, vì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên mức đáng lo ngại sau ba năm hạn chế do đại dịch gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Một cuộc trấn áp quy định cũng đã xóa sổ hàng chục nghìn việc làm trong ngành giáo dục và công nghệ.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học SOAS ở London, cho biết: “Có vẻ như giới lãnh đạo Trung Quốc không thể tìm ra cách nào tốt hơn để tạo việc làm và do đó duy trì sự ổn định và trật tự hơn là khuyến khích những người trẻ tuổi bán hàng rong. Đối với những người lao động hoặc sinh viên mới tốt nghiệp có kỹ năng cho thời đại kỹ thuật số, việc bán hàng rong trên đường phố là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng hơn là tư duy sáng tạo”.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đối với thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Ba.

Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kế, nói trong một cuộc họp báo: “Các vấn đề cơ cấu trong việc làm là rất đáng chú ý”.

Tỷ lệ này có thể tăng hơn nữa, vì con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm nay.

 Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức ngày càng tăng. Thị trường nhà ở quan trọng đang sa lầy trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất được ghi nhận. Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh sau khi ông Tập tung ra một cuộc tấn công quy định chống lại các ngành công nghệ và giáo dục. Các công ty toàn cầu đã bị xáo trộn bởi các cuộc tấn công vào các chuyên gia tư vấn quốc tế.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm. Và quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dẫn đến căng thẳng leo thang trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư.

Triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi đã khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu phải có thái độ hòa giải hơn đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm.

Mai Anh