Xây dựng hệ thống pháp luật về phát triển công nghiệp – Tạo bệ phóng cho phát triển nền công nghiệp quốc gia

Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn song nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng hệ thống pháp luật về phát triển công nghiệp để tạo nền tảng cho hoạt động trong lĩnh vực này phát triển

Chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công nghiệp phát triển

Thiếu và yếu

Tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sau hơn 35 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN 4 với vị trí thứ 36 trên thế giới và đứng thứ 17 về xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2019). Một số ngành công nghiệp đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, da giày… Công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong những năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra cần phải khắc phục được 4 nhóm vấn đề còn tồn đọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: nền công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực bên ngoài, trong khi nội lực lại thiếu và yếu; nguồn nhân lực công nghiệp yếu kém; trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Còn theo đánh giá của Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn dàn trải, việc bố trí nguồn lực cho phát triển công nghiệp chưa đủ mạnh, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công nghiệp phát triển; nhận thức về đối tượng cần hướng đến các chính sách phát triển công nghiệp là khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được chú trọng. Một “nút thắt” nữa là hầu hết các địa phương đều rất thụ động trong việc triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; thậm chí nhiều địa phương còn có các chủ trương, chính sách chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về phát triển các ngành công nghiệ.

Ở góc độ ngành hàng, cụ thể ở đây là ngành ôtô, ông Lê Ngọc Đức – Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Công cho biết do còn non trẻ nên ngành công nghiệp ôtô Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc chinh phục thị trường. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần nhận diện những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh để tập trung chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Công nghiệp ôtô vốn là ngành tích hợp của nhiều ngành công nghệ cao, công nghệ chế tạo, công nghệ cơ khí, điện tử, viễn thông; do đó cần định vị lại vai trò, vị trí của ngành công nghiệp ôtô theo hướng ôtô là một trong những lĩnh vực công nghệ cao để từ đó có chính sách phát triển hợp lý và hiệu quả.

Tiến tới xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, đưa Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp, nước phát triển thì điều kiện tiên quyết là phải khắc phục được những tồn đọng, bất cập trong ngành hàng này. Với những vấn đề còn tồn tại nêu trên của ngành công nghiệp nếu không được giải quyết, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không được cải thiện. Theo ông Trương Thanh Hoài, yêu cầu đặt ra là cần xác định rõ các tiêu chí về công nghiệp hóa để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu cụ thể và lộ trình rõ ràng cho giai đoạn tới.

Trên cơ sở xác định đối tượng hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn, tiềm năng; cần tập trung nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Trước những đòi hỏi của thực tế phát triển các ngành công nghiệp, ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho rằng trong giai đoạn tới đây cần đảm bảo thể chế hóa hệ thống pháp luật công nghiệp gắn với khơi tạo không gian, dòng chảy, tạo dựng nền tảng vững chắc cho công nghiệp phát triển. Để làm được điều này, hệ thống pháp luật phải tạo ra cơ chế, chính sách, động lực nắm bắt, tận dụng, tương tác cộng sinh với các xu hướng phát triển về công nghiệp trên thế giới và khu vực để thu hút, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nâng tầm phát triển công nghiệp trong nước.

Một yêu cầu khác là cần khẩn trương thể chế hóa thông qua luật hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển công nghiệp. Trong đó cần khẩn trương xây dựng Luật Phát triển công nghiệp – mảnh ghép quan trọng chứa đựng các biện pháp thúc đẩy phát triển còn thiếu trong hệ thống pháp luật về công nghiệp. “Mặc dù đã khẳng định vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia song trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc gây cản trở quá trình phát triển bền vững. Chính vì vậy cần thiết phải xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để phát triển nền công nghiệp quốc gia. Với yêu cầu đó, hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và Quốc hội về Dự thảo luật này” – ông Minh thông tin.

Tuấn Tú