Ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại: “Càng sớm càng có lợi…”

Để bảo vệ nền sản xuất nội địa, các quốc gia trên thế giới đang gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ cao trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi cảnh báo sớm để có biện pháp ứng phó

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy những năm gần đây số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng rất nhanh; không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động mà còn gây tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tính đến tháng 7/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Riêng trong nửa đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng Mặt Trời… Trong đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng tại các thị trường có tần suất điều tra nhiều như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Australia và Canada. Đáng báo động, không chỉ các thị trường mới mà cả thị trường truyền thống cũng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại; không chỉ mặt hàng có thế mạnh mà mặt hàng mới, có tiềm năng xuất khẩu cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.

Dù các vụ việc phòng vệ thương mại có chiều hướng gia tăng song theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp đối với vấn đề này. Nói cách khác, công cụ phòng vệ thương mại chưa “thấm” vào doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng chưa nắm chắc được các tiêu chuẩn, đòi hỏi của thị trường xuất khẩu; chưa có thói quen để ứng dụng tiêu chuẩn vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa có sự hợp tác trong việc đảm bảo lợi ích, chú trọng nâng cao năng lực pháp lý… Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đồng quan điểm với TS. Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết số doanh nghiệp có khả năng ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thường nằm ở những ngành hàng đã từng bị kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm ứng phó. Tỷ lệ nghịch với các vụ kiện phòng vệ thương mại đang có chiều hướng gia tăng thì thông tin về quy trình điều tra, kinh nghiệm của doanh nghiệp về ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại lại rất nghèo nàn; chưa kể nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vẫn còn khá sơ sài.

Thực tế cho thấy năm 2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là năm đầu tiên Việt Nam chứng kiến số vụ kiện phòng vệ thương mại tăng kỷ lục với 40 vụ việc được khởi xướng điều tra, tăng gấp 2, 3 lần so với nhiều năm trước đó. Ở chiều ngược lại, lần đầu tiên Việt Nam cũng khởi kiện 6 vụ việc phòng vệ thương mại (các năm trước là 3,4 vụ/năm). Bước sang năm 2021, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá hàng hóa tăng cao nên xu hướng các nước không điều tra áp dụng phòng vệ thượng mại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra áp dụng phòng vệ thương mại chỉ khoảng 10 vụ việc.

Tuy nhiên đại diện Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo xu hướng diễn biến giá chỉ trong ngắn hạn, không bền và rất khó dự đoán nên việc xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam cũng rất khó lường. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại mang tâm lý e ngại, né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; chưa quan tâm đến phòng vệ thương mại hay thiết lập bộ phận về pháp lý trong lĩnh vực này. “Sắp tới đây nguy cơ các thị trường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là rất cao nhằm thay thế công cụ thuế quan được loại bỏ theo cam kết trong các FTA; điều này đồng nghĩa với việc các nước sẽ gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Chính vì vậy doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định về hàng hóa của nước nhập khẩu; theo dõi hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để có sự ứng phó kịp thời bởi càng ứng phó sớm càng có lợi. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần theo dõi cảnh báo từ đối tác, các hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương để có sự chuẩn bị về nhân lực, vật lực cho các vụ kiện”– bà Trang khuyến nghị.

Bảo Ngọc