Ứng phó của doanh nghiệp xuất khẩu Việt trước biến động của thị trường Mỹ

Từ đầu năm đến nay, đà tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ bất ngờ chậm lại và nhiều nguy cơ đối mặt với một cuộc suy thoái trên diện rộng. Do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt đều chuẩn bị tâm thế cũng như kịch bản ứng phó ngay từ bây giờ.

Trái ngược với số liệu kinh tế khả quan của năm 2021, trong quý I/2022 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ bất ngờ giảm 1,4% với cùng kỳ năm ngoái và nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong quý II/2022 này. Cụ thể công cụ theo dõi GDP Now của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Atlanta cho thấy trong quý II/2022 nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm 1,6%, đồng nghĩa với nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP quý I đi xuống chủ yếu là do hoạt động mua hàng tồn kho của khối doanh nghiệp bán lẻ tư nhân bị chững lại. Ngoài ra các vấn đề khác liên quan đến xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang, tiểu bang, địa phương và nhập khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Theo các chuyên gia, nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ ở vẫn ở mức thấp song điều này không có nghĩa kinh tế Mỹ đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Việc giá cả hàng hóa liên tục tăng cao được dự báo có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu của người dân, trụ cột quan trọng của nền kinh tế Mỹ. Các khảo sát gần đây về tâm lý người tiêu dùng cho thấy nhiều người Mỹ cảm thấy không chắc chắn về tương lai tài chính của mình. Mọi người đang cảm thấy thận trọng hơn khi lãi suất bắt đầu tăng, khi nào người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu chậm lại…

Nhìn rộng ra, sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ tạo sức ép không nhỏ lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt. Cụ thể ông Michael Kokalari – CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm “made in Vietnam” như ti vi, đồ nội thất, điện thoại thông minh…Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại chỉ còn khoảng 23% so với mức 50% của cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở đó, ông Michael Kokalari dự báo đến cuối năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 10% do nền kinh tế xứ cờ hoa tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Trước những biến động khôn lường của thị trường chủ lực này, các doanh nghiệp, ngành hàng tại Việt Nam đã chủ động lập kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Đơn cử với ngành gỗ, đứng trước nguy cơ thiếu hụt đơn hàng do lạm phát ở Mỹ tăng quá cao, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam đang phải tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng… nhằm đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất trên cơ sở vẫn giữ được thị trường và giữ chân khách hàng.

 Với ngành dệt may, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) cho biết thị trường Mỹ chiếm trên 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của TCM. Tuy nhiên thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dệt may từ nước này đã sụt giảm tới 15% so với hồi đầu năm. TCM đã tìm giải pháp tối ưu thông qua việc linh hoạt chuyển hướng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Tín hiệu vui là lượng đơn hàng từ xứ sở Phù tang cũng tăng gần bằng doanh số sụt giảm tại Mỹ.

Còn với ngành thủy sản, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe không giấu được sự lo lắng khi các nhà nhập khẩu có xu hướng thận trọng hơn trong việc mua hàng với số lượng lớn bởi lượng tồn kho vẫn còn nhiều. “Để ứng phó, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết (EVFTA, CPTPP, UKVFTA…) để đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh… Doanh nghiệp cũng phải năng động vươn ra tìm kiếm thị trường tiềm năng, các đầu mối nhập khẩu thủy sản lớn thông qua việc tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế” – Tổng thư ký VASEP khuyến nghị.

Nguyên Trọng