Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 Đông Nam Á

Đó là khẳng định của ông James Dong – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada tại Diễn đàn Tương lai Thương hiệu LazMall (BFF) 2022 được tổ chức tại Resorts World Sentosa (Singapore).

Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada James Dong tại BFF 2022 ngày 1/9. Ảnh tập đoàn cung cấp

Theo đó CEO Lazada cho biết dù đại dịch Covid-19 đã hạ nhiệt và lạm phát tăng cao song sức mua online của người tiêu dùng Việt vẫn không giảm do nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng rất tốt. Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy năm 2021 quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 39 tỷ USD. Khi đó Việt Nam sẽ vượt mặt Thái Lan vươn lên trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Riêng với 6 thị trường mà Lazada hiện diện, điều này cũng diễn ra tương tự.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu khác cũng cho thấy dù đại dịch đã qua đi, lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ song người Việt vẫn giữ thói quen mua sắm online. Khảo sát của Rakuten Insight Global được thực hiện với 134.000 người tại 13 thị trường khác nhau cho thấy có đến 47% người mua sắm online Việt Nam cho biết trong 3 tháng gần đây họ mua hàng nhiều hơn; cùng với đó 32% mua sắm mức độ tương đương năm ngoái…

Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra đại dịch. Lũy kế trong 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng đến 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá cũng đã tăng 15,1%.

Theo ghi nhận của ông James Dong, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không bao giờ giảm mà chỉ chuyển đổi cho phù hợp với bối cảnh thị trường. Ở thời điểm hiện tại, khi cơn bão lạm phát đang gia tăng, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có giá mềm hơn, đóng gói trong bao bì nhỏ hơn để tiết kiệm hoặc mua combo (theo gói) để được ưu tiên giảm giá. “Tóm lại nhu cầu mua sắm online sẽ không giảm, chỉ cơ cấu giỏ hàng là có sự thay đổi. Chưa kể việc chuyển từ mua sắm truyền thống sang hình thức mua trực tuyến thời đại dịch không phải là hành vi nhất thời mà đã trở thành thói quen. Những hành vi tiêu dùng mới này sẽ tạo bệ phóng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới” – CEO Lazada nhận định.

Một thuận lợi nữa là sau thời gian dài mạnh tay chi tiền để xây dựng thói quen mua sắm online cho người dùng, các sàn thương mại điện tử đã bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch thành quả. Báo cáo Lazada Sponsored Solutions với chủ đề “Transforming Southeast Asia: From Discovery to Delivery” cho thấy 57% khách hàng có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên công cụ tìm kiếm của sàn thương mại điện tử. “Các sàn TMĐT như Lazada đã vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Sự thay đổi hành vi và tư duy trong suốt hai năm qua đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm đích thực chất lượng cao và trải nghiệm mua sắm mới chất lượng đến với LazMall” – ông James Dong nhấn mạnh

Có thể thấy trong nội tại 4 “ông lớn” thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo cũng có sự cạnh tranh thứ hạng khốc liệt. Sau giai đoạn hụt hơi so với các đối thủ nội địa tại Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lazada dưới sự dẫn dắt của CEO kỳ cựu James Dong đã nhanh chóng trở lại đường đua. “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam” của iPrice cho thấy đầu năm 2021, Lazada đã vượt mặt Tiki để vươn lên vị trí thứ hai về lượng người dùng truy cập hàng tháng qua website (chỉ sau Shopee) và bền bỉ duy trì vị trí á quân cho đến tận bây giờ.

Ngoài 4 “ông lớn” Shopee, Lazada, Tiki, Sendo thì TikTok cũng được đánh giá là ngôi sao tiềm năng. Sau khi thu thập được lượng người dùng đông đảo, cuối tháng 4/2022 ứng dụng này chính thức tung giải pháp thương mại điện tử TikTok Shop tại thị trường Việt Nam cho phép nhà bán hàng có thể mở gian hàng trên TikTok và livestream thâu đêm suốt sáng để rao bán hàng giảm giá. “Các công ty mạng xã hội sớm muộn gì cũng sẽ lấn sân sang thương mại điện tử nhưng một nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và cấu trúc theo hàng ngang như chúng tôi sẽ chiếm lợi thế hơn hẳn nhờ khả năng đa ngành hàng, nhiều mức giá, nhiều dịch vụ. Một nền tảng thương mại điện tử đầy đủ, ưu việt sẽ hấp dẫn người dùng hơn” – ông James Dong tự tin khẳng định

Mặc dù dòng vốn toàn cầu đầu tư vào ngành thương mại điện tử đang có xu hướng giảm nhẹ song CEO Lazada vẫn khẳng định họ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí họ còn gia tăng lượng vốn đầu tư rót vào thị trường Việt Nam để nâng cao năng lực giao vận và hệ thống kho bãi; đồng thời đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự để mở rộng văn phòng tại Hà Nội

Thế Mạnh