Ưu tiên cấp C/O, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương là tháo gỡ khó khăn cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa về cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp

Thuận lợi nhiều, rào cản không ít

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 năm trở lại đây, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32 -34%/năm. Con số ấn tượng này phần nào cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU đạt kim ngạch 16,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi EVFTA chính thức hiệu lực (ngày 1/8/2020-PV) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử,…

Tuy nhiên theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xét trên mặt bằng chung tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức rất thấp, xuất phát từ những vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ như: doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ; một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng; ngôn ngữ trong các thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA còn khó hiểu… Đây là những rào cản khiến khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ các FTA còn hạn chế, đòi hỏi cần phải có những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn để khai thác hiệu quả các FTA này.

Ngoài ra đại diện VCCI cho biết thêm trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nước ta vẫn chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào, ngoại trừ một số doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA)

Do đó để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan FTA, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA. Các Tổ Công tác này có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ và xử lý các vướng mắc xoay quanh các chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA; đồng thời tổng hợp các bất cập trong các chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ của FTA, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương để có quyết định điều chỉnh chính thức kịp thời.

Tạo thuận lợi tối đa về cấp C/O gắn với kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa

 Đại diện Bộ Công Thương cho biết đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ là tháo gỡ khó khăn cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa về cấp C/O cho doanh nghiệp.

Có thể thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản. Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Công văn số 334/XNK-XXHH ngày 25/5/2021 đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải. Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.

Song song đó để phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và bảo đảm hưởng các ưu đãi thuế quan, Cục Xuất nhập khẩu cũng ban hành Công văn số 349/XNK-XXHH đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Cụ thể Cục đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O thực hiện nghiêm túc Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu có nguy cơ gian lận xuất xứ như linh kiện ô tô, các sản phẩm sắt, thép, hương (nhang) và các nguyên liệu làm hương, linh kiện ô tô, máy móc, thiết bị điện … Ngoài ra, lưu ý các mặt hàng thuộc danh sách theo dõi có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được Bộ Công Thương thông báo và cập nhật hằng quý và các mặt hàng doanh nghiệp từ trước tới nay chưa (hoặc ít khi) đề nghị cấp C/O.

Như Anh