Số ca mắc bệnh tăng đột biến, GDP của Mỹ sụt giảm kỷ lục

Đại dịch Covid – 19 giáng một đón chí mạng lên nền kinh tế Mỹ khi trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6/2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sụt giảm 9,5% – một cú sụt GDP chưa từng có trong lịch sử và cũng là cú sụt giảm nhanh nhất theo quý trong suốt lịch sử hiện đại của nền kinh tế Mỹ.

Cho đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid -19 chính là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của dịch bệnh thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng thua lỗ tài chính của các doanh nghiệp nhỏ. Hôm 30/7, Chính phủ Mỹ cho biết lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng lên 1,4 triệu so với tuần trước và đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang bị đình trệ.

GDP quý II của Mỹ giảm 32,9%, mức giảm thấp nhất từ năm 1947, gấp gần 4 lần quý tệ nhất lúc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, con số này dường như không còn ý nghĩa với các nhà đầu tư Mỹ trong quý III/2020 vì nền kinh tế được cho là khó có khả năng trải qua một cú sập nghiêm trọng như vậy.

Tuy nhiên, những gì xảy ra trong quý II cũng phần nào cho thấy những dấu phục hồi xuất hiện cách đây vài tháng dường như đang bị đe dọa.

Vài ngày trước, Chủ tịch FED Jerome H. Powell cảnh báo sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cũng như việc gia hạn các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch đang bắt đầu tác động tới các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế Mỹ chỉ có cơ hội phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát.

Còn ông Ben Herzon – Giám đốc điều hành của IHS Markit nhận định Mỹ đang đào một cái hố sâu và số liệu quý II/2020 phản ánh kích thước của cái hố đó. Rõ ràng đây là một cái hố lớn.

Báo cáo hôm 30/7 cũng đồng thời chỉ ra những ngành hàng nào của nền kinh tế Mỹ chịu tác động khi mọi người ở nhà, cắt giảm chi tiêu và thay đổi đột ngột tất cả các thói quen. Với việc hàng loạt cửa hàng đóng cửa, người dân thay đổi thói quen mua sắm, các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên ế ẩm.

Đại dịch cũng khiến giá dầu giảm sâu, ngành vận tải hầu như “đóng băng” khi người dân cố thủ ở nhà hoặc hoãn những việc chưa cấp thiết để đề phòng dịch bệnh. Đồng cảnh ngộ, ngành chăm sóc sức khỏe và ngành dịch vụ thực phẩm cũng sụt giảm nghiêm trọng khi mọi người dân đều hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc.

Trong bức tranh chung hết sức ảm đạm đó, vẫn có những “gam màu sáng” khi một số ngành công nghiệp tại Mỹ vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, nhất là thị trường nhà đất. khi nhu cầu mua nhà của những người giàu có gia tăng. Ngược lại người thuê nhà nơm nớp lo sợ trước nguy cơ bị đẩy ra đường vì không có khả năng thanh toán tiền thuê.

Theo các chuyên gia, qúy II/2020 thực sự là một quý tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ năm 1875 đến nay, vượt qua cả thời kỳ đen tối quý III/1893 (GDP giảm 8,4%) và quý IV/1937 (GDP giảm 7,2%), ngay trước khi đại suy thoái kinh tế trở lại. Trong khi đó tính tới thời điểm hiện tại, chưa quý nào trong kỷ nguyên đo lường GDP hiện đại của Mỹ, bắt đầu năm 1945, có mức giảm lớn hơn 3%. Quý tồi tệ nhất là vào năm 1958 với mức sụt giảm 2,6% do ảnh hưởng của dịch cúm châu Á.

Hiện tại dịch Covid – 19 bùng phát mạnh tại bang California, Arizona, Texas, Florida và Michigan buộc các nhà chức trách phải hoãn kế hoạch tái mở cửa và hạn chế các hoạt động kinh doanh một lần nữa. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng trong tuần thứ 2, đánh dấu tuần thứ 19 nước Mỹ có hơn 1 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp/tuần; đồng thời dấy lên những lo ngại với người sắp hết thời hạn trợ cấp thất nghiệp.

Cả Chủ tịch FED Jerome H. Powell lẫn các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ đều khẳng định có những dấu hiệu mới cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại. Số ca mắc bệnh tăng đột biến trở thành áp lực đè nặng lên nền kinh tế. Chi tiêu người tiêu dùng thì quay đầu giảm mạnh. Tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn rất thấp và nhiều loại hình kinh doanh khác ế ẩm. “Về mặt cân bằng, có vẻ những điều này đang chỉ ra sự phục hồi chậm lại của nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể biết được mức độ của nó tồi tệ thế nào và kéo dài ra sao” – ông Powell nhận định.

Kim Phương