Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong quý II/2020

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, trong đó doanh thu thuần của Tổng Công ty đạt gần 6.000 tỷ đồng, giảm 75% so với con số hơn 24.100 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, doanh thu khiêm tốn không bù đắp được các chi phí trực tiếp khiến Vietnam Airlines lỗ gộp tới gần 3.874 tỷ đồng trong quý này.

Theo đại diện Vietnam Airlines, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến doanh thu hành khách nội địa của riêng công ty mẹ giảm tới 57,7% so với quý II/2019. Nghiêm trọng hơn, doanh thu hành khách quốc tế giảm đến 96,6%; doanh thu thuê chuyến giảm 89%.

Điểm sáng duy nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Vietnam Airlines là khoản lãi ròng từ hoạt động tài chính (doanh thu trừ chi phí tài chính) hơn 450 tỷ trong khi cùng kỳ là -373 tỷ đồng. Được biết sự gia tăng này chủ yếu nhờ tỷ giá diễn biến tích cực.

Trong kỳ, gánh nặng chi phí vẫn đè nặng lên Vietnam Airlines với chi phí tài chính gần 450 tỷ đồng, chi phí bán hàng gần 590 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 260 tỷ đồng. Nếu trừ đi các chi phí khác, chốt quý II/2020 Vietnam Airlines lỗ trước thuế gần 4.000 tỷ đồng – mức lỗ kỷ lục không chỉ trong một quý mà còn là trong một năm đối một doanh nghiệp niêm yết.

Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines lỗ hơn 6.500 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức con số ước tính lỗ 7.500 tỷ đồng tại báo cáo của Khối các doanh nghiệp trung ương cách đây ít ngày. Doanh thu đạt 24.800 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận trước thuế giảm sâu từ gần 1.800 tỷ đồng xuống -6.526 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt -6.534 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đã khiến Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và hãng hàng không quốc gia đã có những động thái kêu gọi sự trợ lực từ phía Chính phủ. Báo cáo tài chính cho thấy nửa đầu năm nay, lưu chuyển tiền thuần của Vietnam Airlines là âm 356 tỷ đồng, trong đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 5.400 tỷ đồng. Để trang trải dòng tiền, hãng đã tăng cường thu hồi các khoản cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, đồng thời thanh lý, nhượng bán tài sản cố định…

Tại thời điểm cuối quý II, các khoản phải trả người bán ngắn hạn của Vietnam Airlines giảm mạnh từ 15.900 tỷ đồng xuống 11.000 tỷ đồng nhưng đồng thời vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng từ 6.500 tỷ lên 11.100 tỷ đồng. Những con số này cũng phần nào cho thấy hãng đã phải tăng thêm vay nợ đáng kể. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn cũng giảm sâu từ hơn 6.550 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 4.250 tỷ đồng.

Thanh Trúc