Khai thác các ưu đãi từ EVFTA: Đòi hỏi tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực của mỗi doanh nghiệp

Kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi đồng nghĩa với nhiều dòng thuế sẽ trở về 0%. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung – hoạt động xuất khẩu nói riêng lao đao vì dịch Covid – 19 thì EVFTA thực sự trở thành cứu cánh quan trọng. Ưu tiên của các doanh nghiệp lúc này là phải tận dụng hiệu quả các ưu đãi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU..Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Như vậy, có thể thấy EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới…

Theo ghi nhận của bà Bùi Kim Thùy – Đại diện tại Việt Nam Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard; trong Hiệp định EVFTA, một trong những chương quan trọng có thể tận dụng ngay đó là chương thương mại hàng hóa, trong đó có rất nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế quan, thuế đánh tại cảng cho hàng hóa xuất khẩu sang EU. “Khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều dòng thuế ngay lập tức về 0%, chúng ta phải tận dụng ngay việc giảm thuế này.

Tận dụng ngay tức là xuất khẩu ngay và nhập khẩu ngay để hưởng thuế ưu đãi thuế quan đặc biệt này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý nếu không đáp ứng quy tắc xuất xứ đặc biệt được thiết kế riêng cho Hiệp định này, cho từng ngành hàng, mã HS thì cũng không thể tận dụng ngay được các ưu đãi thuế từ Hiệp định bởi các quy tắc về xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không dễ.

Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ của nhiều dòng hàng, song vẫn có nhiều dòng hàng có quy tắc xuất xứ phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng ngay ưu đãi để xuất khẩu ngay, tuy nhiên chỉ xuất khẩu ngay với điều kiện đáp ứng các yêu cầu xuất xứ đặc biệt cho từng ngành hàng, từng mã HS của Hiệp định” – bà Thùy khuyến nghị.

Bên cạnh cơ hội vàng có được từ EVFTA, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức, trong đó đáng quan ngại nhất chính là phát sinh các tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh đó, các Bộ, ban ngành đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mà đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cũng phải tích cực chung tay. doanh nghiệp phải chủ động nắm vững thông tin, các quyền lợi liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính mình.

Bà Thùy ví von trong Hiệp định EVFTA, đàm phán thuế quan và quy tắc xuất xứ luôn đi song hành với nhau, như “hai giày, hai dép đi trên 2 chân”, nếu thiếu một chiếc thì không thể đi được. Việc đàm phán thuế quan không còn ý nghĩa trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Nếu đáp ứng điều này thì doanh nghiệp tự có được quyền lợi là xuất khẩu và được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt với điều kiện đi kèm là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Ngoài ra, trong Hiệp định này còn đề cập đến thương mại điện tử. Đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Đó là lý do bà Thùy khuyến nghị phần chuẩn bị nên tập trung cho thương mại điện tử. Trong quy định của EVFTA, nếu doanh nghiệp biết được hai bên thỏa thuận với nhau là không đánh thuế trên thương mại điện tử, đó chính là doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sử dụng thương mại điện tử. Hai bên có cơ chế phối hợp để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các giao dịch liên quan đến thương mại điện tử.

Có thể nói, Bộ Công Thương hay đoàn đàm phán đã thiết kế và kiến tạo nên một mạng lưới các FTA quyền lực trên bản đồ FTA toàn cầu. Chưa có nước nào ở ASEAN, ngoại trừ Singapore, đứng đầu về số lượng FTA mà Việt Nam đang sở hữu. Tuy nhiên, Singapore không có nền sản xuất mà Việt Nam mới là nền kinh tế sản xuất thực sự.

Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tết trong các nhóm các nền kinh tế đang phát triển đầu tiên có FTA với EU. Đó chính là những điều mà Bộ Công Thương, bộ, ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp để kiến tạo mạng lưới các FTA có quyền lực, giúp Việt Nam đưa lên vị trí hạng cao trên bản đồ quốc tế về thương mại quốc tế. Các quy định văn bản, quy phạm pháp quy đã có sẵn, Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác đã hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình “dịch tiếng Việt sang tiếng Việt” tốt hơn, và việc bây giờ chính là tính chủ động của các doanh nghiệp.

Về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với Hiệp định EVFTA, bà Bùi Kim Thùy cho rằng điều này phụ thuộc vào tính chủ động của chính doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp lớn, họ đã chuẩn bị tâm thế từ lâu bởi các công ty này cùng đoàn đàm phán, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác trong quá trình cung cấp các yếu tố đầu vào để đàm phán kiến tạo nên “bản chào” và có bản cuối cùng là lời văn của Hiệp định đẹp như này là không thể phủ nhận. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp sẵn sàng chưa chiếm được tỷ lệ áp đảo, mặc dù Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác đã thực hiện tốt tuyên truyền, quy phạm pháp luật.

Chính vì vậy, đòi hỏi tính chủ động của doanh nghiệp, tiếp cận thông tin một cách chủ động để có thể đón đầu và tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định. “Ưu đãi có đấy, lợi ích có đấy, nếu doanh nghiệp không sẵn sàng, không tự chủ, không tự nâng cấp mình trong việc nâng cao quá trình sản xuất, công nghệ tạo nên giá trị gia tăng cho Việt Nam thì cũng không thể hưởng được các ưu đãi mà Hiệp định mang lại” – bà Thùy nhấn mạnh.

Minh Anh