Đâu là những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid – 19 cần được hỗ trợ?

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác dộng kinh tế của COVID-19”. Một trong những nội dung chính được đưa ra mổ xẻ tại buổi công bố này chính là việc phân phối các khoản trợ cấp Covid – 19 cho những ngành kinh tế nào để đạt hiệu quả tối ưu.

Kinh tế trưởng WB – ông Jacques Morisset cho rằng mỗi ngành nghề chịu tác động khác nhau nên Chính phủ cần đề ra mục tiêu hỗ trợ cụ thể cho từng ngành nghề. Trong đó theo ông Jacques Morisset, có ba ngành chịu tác động nặng nề nhất là du lịch, vận tải hành khách và chế biến, chế tạo xuất khẩu.

Về du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón hơn 20 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc dịch bệnh Covid – 19 tái bùng phát tại Đà Nẵng đã phần nào cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch rất mong manh.

Lĩnh vực vận tải cũng là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và đầu tiên của dịch Covid -19, đặc biệt là ngành hàng không. Đến thời điểm hiện tại, vận tải nội địa đã dần phục hồi trở lại song vận tải hành khách quốc tế vẫn đang tiếp tục hứng chịu tác động do chính sách cách ly của các nước. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đang tích cực triển khai các gói hỗ trợ về tài chính nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp đi qua khó khăn.

Đồng cảnh ngộ với du lịch, vận tải hành khách là ngành chế tạo chế biến xuất khẩu. Theo ông Jacques Morisset, mặc dù ngành chế tạo chế biến xuất khẩu có sức chống chọi khá tốt trong thời kỳ khủng hoảng song ngành kinh tế này cũng rất cần sự trợ lực từ phía Chính phủ. “Việt Nam không thể để những ngành này “chết” bởi đây chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia và hẳn nhiên Chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ muốn hàng triệu lao động rơi vào cảnh mất việc” – ông Jacques Morisset khuyến nghị
Cũng theo Kinh tế trưởng WB, Việt Nam cần tập trung vào chính sách tài khóa nhằm giúp một số ngành như sản xuất, du lịch và dệt may phát triển.

Khi nhu cầu toàn cầu sụt giảm và tiêu dùng nội địa đi xuống vì ảnh hưởng Covid – 19 thì đây chính là các ngành kinh tế chịu tác động nặng nề nhất.

Về chính sách tiền tệ, việc tiếp tục hạ lãi suất tiền đồng, nới lỏng chính sách tiền tệ không hẳn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, thậm chí chính sách này có thể đẩy mạnh lạm phát và khiến các ngân hàng suy yếu.

Hương Giang