Phát triển thị trường bán lẻ: Đảm bảo cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và truyền thống

Với lợi thế dân số đông trên 90 triệu người, ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để ngành bán lẻ nội địa phát triển mạnh mẽ và hài hòa hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, các chuyên gia khuyến nghị cần chú ý đảm bảo cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.

Tại Hội thảo Định hướng chính sách hợp tác win – win trong ngành phân phối giữa Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra tại Hà Nội, ông Kim Min Seok – Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho biết cách đây vài năm, sự phát triển của thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến đã khiến các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và chợ truyền thống Hàn Quốc sụt giảm doanh thu. Trước tình hình chợ truyền thống giảm sức cạnh tranh, các cơ quan chức năng đã quyết định hỗ trợ cho sự phát triển của kênh phân phối, đặc biệt là chợ truyền thống.

Cụ thể các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã có chính sách giúp tăng tính cạnh tranh của chợ truyền thống như: cải tạo lại cơ sở hạ tầng, bố trí bãi đỗ xe, dành không gian riêng cho lực lượng doanh nhân trẻ, phát hành thẻ ưu đãi mua hàng (voucher) để khuyến khích người tiêu dùng, xây dựng cơ chế tiểu thương tự chủ… “Những chính sách này mang lại hiệu quả cao như doanh thu tăng đều từ năm 2014 đến nay, số lượng khách ghé thăm tăng cao, số gian hàng bỏ trống giảm… Đặc biệt, mô hình khu chợ cá kết hợp với đại siêu thị cũng giúp doanh thu cả hai khu vực này tăng cao” – ông Kim Min Seok chia sẻ.

Những kinh nghiệm vàng từ Hàn Quốc gợi mở nhiều hướng đi mới tiềm năng cho sự phát triển của ngành phân phối nước ta. Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh do lợi thế dân số đông trên 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao, ngoài ra nền kinh tế đang trên đà hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhanh. Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, thị trường bán lẻ hiện đại ngay tại Việt Nam ngày càng càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán bán hàng đa kênh…, góp phần gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão của các kênh bán lẻ hiện đại, bán hàng trực tuyến, các kênh bán lẻ truyền thống nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương xác định yêu cầu thiết yếu là phải đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối trên cơ sở vẫn phải đảm bảo phát triển cân bằng giữa các kênh hiện đại và truyền thống.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, để ngành phân phối trong nước phát triển mạnh mẽ và hài hòa hơn, bên cạnh giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống, Bộ Công Thương cũng sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp giải quyết sự phát triển hài hòa giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến trong bối cảnh các hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ truyền hình, điện thoại ngày càng phát triển với tốc độ rất cao. “Việc cân bằng giữa các yếu tố trên cần được đặt trong mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đó là tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước phần lớn là nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp” – Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ngọc Anh