Mở lại đường bay quốc tế: Cần trợ lực cho hàng không và du lịch “cất cánh”…

Từ 15/2/2022, Việt Nam bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế thường lệ và dự kiến đón khách quốc tế theo trạng thái bình thường mới từ 15/3/2022, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng không và du lịch “cất cánh” trở lại.

Phó chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam, Bùi Doãn Nề. Ảnh: BAV

Ông Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, du lịch và hàng không là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất; trong đó quyết định dừng bay quốc tế đã đẩy ngành hàng không đối mặt với hàng loạt thách thức, tình trạng tài chính của các doanh nghiệp trong ngành ngày càng bị thắt chặt.

Để phục hồi giao thương, du lịch, kể từ ngày 15/2 Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế; qua đó tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động bay. Mặc dù cánh cửa đã được mở trở lại song các hãng trong nước vẫn phải khởi động, mất thời gian để khôi phục các dịch vụ đã bị đứt gãy. Chưa kể tại một số quốc gia dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh song tâm lý hành khách vẫn còn e ngại. “Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, địa phương cần đưa ra những phương án, cam kết cụ thể để du khách yên tâm khi đến Việt Nam. Về phía Chính phủ cần có chính sách trợ lực cho các hãng hàng không để đảm bảo sức cạnh tranh với các hãng bay ngoại” – ông Nề khuyến nghị.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh khi mở lại các đường bay quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục dành ưu tiên đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi; có các chính sách thu hút du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không; đồng thời cần tận dụng tốt sự phục hồi và tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Đồng quan điểm về vấn đề đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, TS Lương Hoài Nam – Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng đại dịch đã làm Việt Nam quên mất câu chuyện đau đầu trước đây là quá tải hạ tầng sân bay. Tuy nhiên bài toán khó này cần sớm có lời giải mới có thể theo kịp sự phục hồi nhanh chóng của ngành hàng không, du lịch; trong đó cần đẩy nhanh đề án đầu tư xã hội hoá hạ tầng sân bay để không vấp phải rào cản trong quá trình khôi phục ngành hàng không. “Mặc dù Việt Nam có 22 sân bay (21 sân bay do nhà nước xây dựng; 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn) nhưng công suất chỉ đạt 75 triệu khách/năm – bằng công suất Sân bay Changi của Singapore. Muốn có sự phục hồi cần phải có sự đầu tư, phát triển tương xứng. Đừng quên nếu không có sân bay rồi lại sẽ thành điểm nghẽn” – ông Nam lưu ý.

Thông tin thêm, ông Bùi Minh Đăng – Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết tính tới thời điểm hiện tại, các hãng hàng không trong nước đã khai thác đường bay đến 15 quốc gia, còn các hãng nước ngoài khai thác từ 20 quốc gia đến Việt Nam.  Đánh giá năm 2022 việc khôi phục ngành hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu, ông Đăng dẫn chứng về các con số Cục Hàng không đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản khả thi nhất của năm nay, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42-43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019 nhưng con số này vẫn khá ấn tượng khi so với 2 năm dịch vừa qua.

Về thị trường du lịch, ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Du lịch cho biết trong giai đoạn thí điểm (từ tháng 11/2021 – nay), Việt Nam đón 9.000 khách quốc tế. Từ 15/2, Việt Nam bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế thường lệ và dự kiến đón khách quốc tế theo trạng thái bình thường mới từ 15/3. Trong năm 2022 này, Việt Nam đặt kế hoạch đón 5 – 6 triệu khách nước ngoài và 60 triệu khách nội địa. Dù vậy TS Lương Hoài Nam cho rằng Việt Nam đã thí điểm, mở cửa đón du khách quốc tế quá chậm và cẩn trọng. Trong khu vực, Thái Lan thí điểm từ tháng 7, đón chính thức khách hơn 60 quốc gia từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 12, Lào mở cửa với 31 nước, còn Campuchia không cần thí điểm đón khách luôn từ tháng 11. “Số lượng 9.000 khách Việt Nam đón trong thời gian thí điểm cũng chỉ tương đương với công suất phòng của một cơ sở lưu trú lớn trong nước. Số lượng ít như vậy vì các điều kiện du khách cần đáp ứng để vào Việt Nam quá khó khăn” – ông Nam nhận định.

Chia sẻ thêm quan điểm về mở cửa hàng không, du lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch nhấn mạnh thay vì coi Covid-19 như rào cản để hạn chế mở cửa, Chính phủ cần có cơ chế thoáng, cởi mở hơn với du khách quốc tế, trong đó điều kiện tiên quyết là phải phục hồi chính sách visa như trước dịch để thu hút du khách, phục hồi du lịch quốc tế. “Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, Việt Nam cần mở rộng hơn nữa về diện miễn visa với các nước EU, Australia, New Zealand. Với các thị trường khổng lồ như Mỹ, Hàn Quốc, nếu chưa thể miễn visa ngay thì có thể xem xét cấp visa dài hạn 5 năm, 10 năm …Làm được như vậy mới mong cạnh tranh được với du lịch quốc tế” – ông Nam nêu ý kiến

Như Oanh