Vốn ngoại ào ạt chảy vào, thị trường logistics Việt Nam thêm sôi động

Sau chuỗi ngày trầm lắng vì đại dịch, thị trường logistics Việt Nam đã dần sôi động trở lại, thu hút nhiều nhà đầu tư FDI mạnh tay rót vốn vào.

SLP Park Xuyên Á là dự án thứ hai tại tỉnh Long An và là dự án thứ ba của SLP tại Việt Nam. Dự án sẽ cung ứng các nhà kho hạng A hai tầng và một tầng sau khi hoàn thành.

Theo đó từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều dự án logistics tầm cỡ đã chính thức khởi động. Nổi bật ngày 24/2 vừa qua, SLP (SEA Logistic Partners) đã khởi công dự án SLP Park Xuyên Á tại lô HH, Khu công nghiệp Xuyên Á, ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2023 với tổng diện tích cho thuê khoảng 84.000m2, chủ yếu cung ứng các nhà kho hạng A hai tầng và một tầng.

Trước đó vào ngày 24/1, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Thành phố với tổng vốn đầu tư gần 230 triệu USD, trong đó có 2 dự án trong lĩnh vực logistics gồm Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 và JD Property (Vietnam) Logistics Park Hai Phong 1.

 Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 của nhà đầu tư Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd. (Singapore) tại Khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải (DEEP C2B) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics; trong đó có cung cấp hệ thống kho lạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Còn dự án JD Property (Vietnam) Logistics Park Hai Phong 1 do Công ty JD Future Explore V Limited (Hong Kong, Trung Quốc) làm chủ đầu tư được triển khai tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1) với tổng vốn đầu tư 32 triệu USD nhằm kinh doanh dịch vụ logistics, phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử.

Mới đây Tập đoàn WHA Corporation PCL (Thái Lan) cũng đã công bố đầu tư 50 tỷ baht (1,51 tỷ USD) trong 5 năm tới. Trong đó bên cạnh việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, một phần khoản đầu tư này sẽ được dùng để mở rộng tại Việt Nam. Trước mắt trong quý I/2022, WHA Corporation PCL có kể hoạch mở rộng 352ha một khu công nghiệp ở tỉnh Nghệ An.

Theo ông Jenkin Chiang – Giám đốc điều hành kiêm Thành viên đồng sáng lập của SLP, đại dịch Covid đã làm thay đổi đáng kể bức tranh thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và gia tăng nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Đặc biệt những năm gần đây, nhu cầu về nhà kho xây sẵn có sự gia tăng mạnh mẽ. Thông qua các dự án đã và đang triển khai, trong đó có SLP Park Xuyên Á, SLP hướng đến mục tiêu đáp ứng hiệu quả nhu cầu kho vận ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, từ đó vươn ra nắm bắt lợi thế trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện đại hóa lĩnh vực logistics Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Craig A. Duffy – Giám đốc điều hành, Bộ phận Quản lý Quỹ GLP Vietnam Development Partners I (GLP VDP I) cho biết bất chấp các rào cản do các quy định pháp luật, lĩnh vực logistics của Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào lợi thế dân số năng động, nền kinh tế đang ngày càng phát triển và sự gia tăng tiêu dùng nội địa của tầng lớp trung lưu. Các doanh nghiệp nước ngoài tạo được doanh thu nhiều hơn tại thị trường Việt Nam do họ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty trong nước. Cũng chính vì lý do này mà cuối tháng 1 vừa qua, GLP đã chính thức công bố thành lập Quỹ GLP VDP I với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD. Qũy nhận được cam kết từ một nhóm nhà đầu tư đa dạng đến từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia cũng như các công ty bảo hiểm đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Còn theo JLL Việt Nam, sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng tươi sáng của thị trường logistics Việt Nam là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam trở thành trung tâm kho vận của thế giới, không chỉ đối với vận tải nội địa. Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy mỗi năm tốc độ tăng trưởng của ngành logistics đạt từ 14 đến 16%/năm, với quy mô 40-42 tỷ USD. Đáng chú ý thời điểm từ cuối năm 2021 đến nay, các hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành logistics

Theo các chuyên gia, hàng loạt dự án logistics tầm cỡ được khởi công tại Việt Nam ngay từ những tháng đầu năm 2020 là minh chứng sống động cho thấy lĩnh vực này tiếp tục là mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp sẽ đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên việc các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vốn vào lĩnh vực logistics được nhận định sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trong nước vốn yếu kém hơn về mặt công nghệ, vốn, nhân lực… Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy phát triển ngành logistics nội địa, VLA kiến nghị Chính phủ cần tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc gia, sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Trong đó cần quy định lại về nội dung, định nghĩa về dịch vụ logistics, quy định rõ về quản lý nhà nước về logistics và các điều khoản trong Luật cho phù hợp, đưa thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics…

Ngoài ra VLA cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc phát triển một số doanh nghiệp logistics mạnh 4PL-5PL nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics tại thị trường nội địa cũng như trên trường quốc tế, qua đó góp phần giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

Duy Anh