Hợp tác song phương Việt Nam – Singapore: Tiềm năng dồi dào, cơ hội rộng mở…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, kéo dài trong 3 ngày 24-26/2/2022. Sự kiện quan trọng này góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore và hợp tác chặt chẽ hướng tới cùng phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Singapore

Tận dụng triệt để mọi lợi thế

Là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao, những năm qua quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore đã có sự phát triển tích cực. Bên cạnh việc phát huy hiệu quả các cơ chế hợp song phương, lãnh đạo hai nước luôn duy trì trao đổi đoàn, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội không ngừng được mở rộng

Trong hợp tác kinh tế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây nên những tác động tiêu cực tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và Singapore song năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Đặc biệt ngay trong tháng đầu năm mới 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu. Đặc biệt với vị trí địa lý đặc thù, Singapore trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Đáng chú ý, hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Có khoảng 5% lượng hàng được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Singapore để phục vụ người tiêu dùng bản địa, và từ đó có thể tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhận định với những lợi thế về năng lực cung ứng, năng lực thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đang sở hữu tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Vương quốc Anh. Chính vì vậy doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng lợi thế từ các FTA mà hai nước đã tham gia (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)) để thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), cùng khai thác thương hiệu và mạng lưới đối tác nhập khẩu, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử (TMĐT) cho lĩnh vực thực phẩm chế biến để cùng thâm nhập thị trường EU và Vương quốc Anh. Đặc biệt Việt Nam và Singapore có thể tận dụng lợi thế là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có FTA với EU và Anh để cùng hỗ trợ nhau thâm nhập và chinh phục thành công các thị trường tiềm năng này.

Riêng trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến tháng 2/2022, Singapore có tổng cộng 2.860 dự án đầu tư còn hiệu lực tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Không những thế trong năm 2021, Singapore còn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Những con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy các nhà đầu tư Singpore rất quan tâm đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam cũng như các lợi thế bổ sung của hai nước. Hiện các nhà đầu tư Singapore đã tham gia vào 18/21 ngành nghề tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa….

Khai thác thế mạnh từ thương mại điện tử

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, mức tiêu dùng qua TMĐT của đảo quốc chưa đầy 6 triệu dân này gần như tương đương với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam nên Singapore được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập thông qua TMĐT.

 Hiện tại đảo quốc sư tử đang có rất nhiều sàn TMĐT đang hoạt động như Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay… Một số sàn chuyên về thời trang, mỹ phẩm như: Zalora, Reebonz, Love Bonito, Althea; và các sàn chuyên về nội thất, phong cách sống là: Courts, Castlery, Forty Two, Hip Van, Tangs, Horme; các sàn chuyên về thực phẩm là Redmart, Fairprice marketplace… Ngoại trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm, hầu hết các sàn TMĐT tại Singapore đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch TMĐT là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển. Không những thế, người tiêu dùng Singapore sẽ vào thẳng các sàn này để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu. Chính vì vậy thị trường Singapore rất thích hợp để các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể thử nghiệm tham gia thương mại xuyên biên giới.

Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tham gia các sàn TMĐT ở Singapore thông qua các doanh nghiệp cung ứng trung gian dịch vụ. Nhà cung ứng dịch vụ trung gian này sẽ đứng ra là nhà nhập khẩu (xin giấy phép nhập khẩu), làm thủ tục hải quan, cung ứng dịch vụ lưu kho, giao nhận và trung gian bán hàng trên một hoặc cùng lúc trên nhiều sàn TMĐT.

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia TMĐT ở Singapore chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Tuy nhiên đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, do liên quan đến quy định giấy phép nhập khẩu thực phẩm bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhà nhập khẩu tại Singapore để làm thủ tục xin cấp phép tại Cơ quan thực phẩm Singapore nếu muốn bán hàng qua các sàn Amazon.sg, Redmart, Fairprice marketplace…”Hiện tại Singapore có nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian bán hàng trên các sàn TMĐT với giá cả cạnh tranh và với mức độ cung cấp dịch vụ sâu rộng và chất lượng khác nhau (công nghệ quản lý lưu kho, mức độ cập nhật của báo cáo và kiểm kê, quản lý tài khoản thu hộ…). Chính vì vậy khi có nhu cầu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động liên hệ với Thương vụ để có thêm thông tin và sự lựa chọn tin cậy” – Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị.

Nhân chuyến thăm Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến Lễ trao đổi 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: quốc phòng, kinh tế thương mại, thông tin và truyền thông, sở hữu trí tuệ… Đây là những cơ sở quan trọng góp phần vào nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch của cả hai nước, nhất là trên các lĩnh vực Singapore có thể mạnh và Việt Nam có nhu cầu như kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các FTA thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, các tỉnh, thành và doanh nghiệp của Việt Nam đã ký kết, trao đổi 29 hợp đồng, văn bản hợp tác với các đối tác Singapore với tổng số vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam lên đến 11 tỷ USD. Thành công từ chuyến thăm đã góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương hai nước Việt Nam – Singapore lên một tầm cao mới, đi vào thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bảo Anh