Italy tiếp tục vay nợ bất chấp xếp hạng tín nhiệm thấp

Italy từng có một trong những núi nợ cao nhất thế giới trước khi đại dịch đẩy nước này vào một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Họ vẫn có thể vay tiền miễn phí.

Nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất EU sau Hy Lạp hôm thứ Ba phát hành trái phiếu 3 năm không lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ không được trả bất kỳ khoản nào cho đến khi trái phiếu đáo hạn vào năm 2024.

Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy gần như không có gì ngăn cản các chính phủ vay nợ để tái thiết các nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.

Các quan chức đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng và đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để cung cấp hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho những người lao động và doanh nghiệp thiếu tiền, đặc biệt khi làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai đe dọa làm trật bánh tiến trình phục hồi mong manh.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hồi đầu tháng cho biết có rất ít rủi ro khi chính phủ lạm dụng kích thích quá mức, trong khi quá ít hỗ trợ sẽ dẫn đến “sự phục hồi yếu”.

Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vốn được biết đến với quan điểm cứng rắn với các chính phủ sở hữu các khoản nợ không bền vững, đã cảnh báo không nên rút viện trợ quá sớm. Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba rằng: “Việc ngăn chặn những bước thụt lùi tiếp theo đòi hỏi các chính phủ không được sớm rút lại các hỗ trợ chính sách”.

Italy cũng bán trái phiếu có thời hạn dài hơn với lợi suất thấp kỷ lục, bất chấp việc Fitch Ratings hạ cấp vào tháng 4. IMF dự báo nền kinh tế Italy sẽ giảm 10,6% trong năm nay và dự báo nợ chính phủ sẽ vượt quá 160% GDP vào cuối năm 2020, tăng từ mức 135% của năm ngoái.

Khả năng của Italy trong việc bán trái phiếu không lãi suất cho thấy sự can thiệp chưa từng có của các ngân hàng trung ương đã tạo ra sự mất kết nối giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực.

Italy cũng đang hưởng lợi từ các kế hoạch của Liên minh châu Âu để chuyển một số tiền khổng lồ đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như một phần của quỹ phục hồi sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro (882 tỷ USD).

Theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg, quốc gia này sẽ nhận được khoảng 86,6 tỷ euro (101,7 tỷ USD) từ quỹ. Ông cho biết: “Nhờ có triển vọng này, ngay cả các quốc gia thành viên [EU] gặp khó khăn về mặt tài chính giờ đây cũng có thể vay tiền với các điều khoản cực kỳ có lợi trên thị trường”.

An Phước