IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điểm đáng lưu ý trong báo cáo này là dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020 sẽ giảm 2,2%, đặt trong bối cảnh kinh tế các nước Ấn Độ, Philippines, Malaysia sụt giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Con số này còn tệ hơn so với mức dự báo suy giảm 1,6% được IMF đưa ra vào hồi tháng 6 vừa qua.

Theo IMF, việc hạ dự báo kinh tế châu Á phản ánh sự suy giảm mạnh hơn, đặc biệt ở các nước như Ấn Độ, Philippines và Malaysia. IMF cũng cảnh báo Philippines và Ấn Độ sẽ trải qua một cú sụt giảm cực mạnh, bắt nguồn từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch lây lan hồi quý II/2020. Cụ thể, kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ giảm 10,3% trong năm nay, tệ hơn nhiều so với dự báo giảm 4,5% được đưa ra hồi tháng 6; tương tự Philippines được dự báo sẽ giảm 8,3%, nhiều hơn so với mức giảm 3,6% đưa ra trước đó.

Ngược lại kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao gần gấp đôi so với dự báo 1% hồi tháng 6 và sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm tới; tương tự kinh tế Việt Nam được dự báo tăng 1,6% và thuộc số ít nước tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. “Đà phục hồi kinh tế sẽ còn trì trệ và không đồng đều ở mỗi quốc gia; trong đó các nước phụ thuộc vào du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất.

Hiện tại chỉ số tiêu dùng đang sụt giảm xuất phát từ nỗi sợ lây nhiễm dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động kinh tế sẽ ở dưới công suất cho đến khi vaccine được tung ra. Dù đà phục hồi của Trung Quốc có thể thúc đẩy thương mại trong khu vực song các yếu tố tiêu cực (tăng trưởng toàn cầu yếu; biên giới bị đóng cửa; căng thẳng leo thang về thương mại, công nghệ, an ninh…) vẫn sẽ khiến triển vọng hồi phục dựa vào công nghệ của khu vực bị hạ thấp” – IMF cảnh báo

Đối với năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ bật tăng trở lại và đạt mức 6,9% nhờ lực đẩy từ tốc độ phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro. Tuy nhiên vẫn không thể bỏ qua các rủi ro khác có nhiều khả năng xảy ra như: làn sóng lây nhiễm thứ hai, căng thẳng với Mỹ gia tăng, điều kiện tài chính bị thắt chặt trở lại.

“Với tình hình hiện tại, có thể thấy đại dịch Covid – 29 còn rất lâu mới kết thúc. Chính vì vậy các nước nên duy trì, thậm chí là phải tăng cường cách chính sách hỗ trợ, trong đó có cả hỗ trợ cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần tăng gấp đôi nỗ lực giúp lao động duy trì việc làm và các công ty có thanh khoản cao tồn tại” – IMF khuyến nghị.

Kim Phương