Toàn cảnh thương mại 9 tháng năm 2020 – Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận…

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2020 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong khôi phục và phát triển kinh tế. Báo cáo được VEPR thực hiện với sự hỗ trợ của Văn phòng đại diện Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam

Báo cáo của VEPR cho thấy trong 9 tháng năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 16,52 tỷ USD – mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Riêng quý III/2020, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 10,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 1,08 tỷ USD, khu vực FDI thặng dư 11,8 tỷ USD.

Sau 2 quý liên tiếp sụt giảm, bước sang quý III/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt 79,74 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33,9% so với quý II. Kết quả ấn tượng này chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tới 63% tổng kim ngạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý III/2020 đạt được mức tăng trưởng cao là nhờ vào những tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020), mở đường cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang EU như: điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thủy sản.

Trong quý III/2020 có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: mặt hàng điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,72 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019; tương tự mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 14,7 tỷ USD, giảm 3,9%; mặt hàng dệt may đạt 8,98 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,78 tỷ USD, tăng 62,8%. Trong 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,74 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ở chiều ngược lại, trong quý III/2020 tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 69,02 tỷ USD, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 19,34% so với quý II/2020. Điều này cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi và nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt gần 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tăng mức dự trữ ngoại hối thêm 13 tỷ USD nhờ vào mức thặng dư thương mại cao. Dự trữ ngoại hối đến nay tăng vượt ngưỡng 92 tỷ USD và được ghi nhận là mức kỷ lục hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình bất ổn do Covid-19. Theo đó, tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giữ mức ổn định cho tới cuối năm 2020.

Xuất phát từ những tín hiệu lạc quan trên, báo cáo của VEPR nhận định Việt Nam đang có nhiều triển vọng về thương mại quốc tế, đặt trong bối cảnh các quốc gia khác trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đây sẽ là động lực để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quá trình khôi phục kinh tế trong những tháng cuối năm.

Linh Lan