Giá đất ở Thành phố Thủ Đức biến động mạnh và loạt dự án khủng được gỡ rối

Kể từ khi Thành phố Thủ Đức chính thức thành lập thì giá nhà đất ở khu vực này cũng được đẩy lên cao gấp nhiều lần so với thực tế, tạo nên cơn sốt đất ảo. Các chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo đối với người mua để tránh tình trạng mua đất không đúng với giá trị thật.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá đất khu vực này hiện nay đã tăng so với đỉnh điểm của năm 2007 hơn 360%. Việc giao dịch trao tay khiến giá đất ở TP. Thủ Đức bị đẩy giá lên cao so với thực tế, nguy cơ tạo nên “bong bóng” bất động sản ở khu vực này.

Khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) được giao dịch ở mức 140 triệu đồng đến hơn 350 triệu đồng tùy vị trí, tăng từ 40-60 triệu đồng/m2 so với trước đây.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân khuyến cáo người mua cần thận trọng xem xét kĩ các yếu tố pháp lý, vị trí lô đất, dự án và các tiện ích khu vực xung quanh.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM về việc 32 dự án bị vướng mắc chưa được giải quyết của 21 doanh nghiệp bất động sản.

HoREA cho biết, nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản cũng đang “cầu cứu” các cơ quan chức năng vì những vướng mắc kéo dài.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa UBND TPHCM với đại diện doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị lãnh đạo thành phố và các sở ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trước ngày 15/4.

Thành phố cùng HoREA sẽ tháo gỡ những dự án đang gặp vướng mắc cũng như cung cấp thông tin đầy đủ để HoREA thông tin lại cho các thành viên trong hiệp hội.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, những năm qua, Thành phố phải tiếp nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với 164 dự án bất động sản. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Chưa kể trong thời gian qua xảy ra một số vụ án liên quan đến quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và việc dừng triển khai dự án BT, khiến một số dự án BT phải dừng lại.

Cũng theo ông Phong, hiện nay, thành phố có khoảng 10.200 doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 32% và chiếm 33 – 35% về nguồn vốn. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản không đạt mức tăng trưởng.

“Nếu không kịp thời giải quyết khó khăn sẽ tác động đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến kinh tế thành phố. Vì thế, thành phố xác định, giúp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là giúp cho thành phố. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là thúc đẩy kinh tế thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Đối với các kiến nghị của HoREA cũng như các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị ông Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhanh chóng sắp xếp lịch làm việc với lãnh đạo các Sở thuộc khối đô thị và lãnh đạo HoREA để ra kết luận giải quyết từng vụ việc, báo cáo thường trực UBND thành phố.

TP.HCM SẼ CÓ KHOẢNG 115 NGHÌN CĂN HỘ TRONG 4 NĂM TỚI

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, dự kiến đến năm 2024, nguồn cung căn hộ tương lai của TP.HCM sẽ có khoảng 115.000 căn, trong đó nguồn cung năm 2021 chiếm 15%.

Đơn vị này cho rằng, nhìn chung nguồn cung mới vẫn còn khá là hạn chế, nhất là đối với những dự án đang mở bán ở giai đoạn đầu tiên. Trong khi một năm qua, hầu hết nguồn cung là từ các dự án đã phát triển như các dự án phức hợp, các khu đô thị lớn.

Theo Savills, trong quý IV/2020, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 770 căn, giảm 61% theo quý và 7% theo năm, là mức cung thấp nhất trong năm 2020. Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp cả năm 2020 đạt 3.100 căn, tăng 28% theo năm.

Nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao khiến tỷ lệ hấp thụ của quý đạt 71% và cả năm đạt 93%. Lượng giao dịch năm 2020 tăng 53% theo năm.

Trong năm 2020, nguồn cung sơ cấp của nhà phố thương mại tăng 230% theo năm, dẫn đầu phân khúc BĐS liền thổ với 43% thị phần. Trong đó, Vinhomes Grand Park chiếm 80% thị phần nguồn cung này.

Duy Anh