Các hạn chế biên giới có thể buộc các nhà máy ô tô của Đức phải đóng cửa

Các nhà sản xuất ô tô vốn là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Đức đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới: các hoạt động thắt chặt kiểm soát tại biên giới có thể trì hoãn việc giao hàng các bộ phận quan trọng và buộc các nhà máy của họ phải đóng cửa.

Các tài xế xe tải đã gặp phải tình trạng trì hoãn kéo dài sau khi Đức áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 mạnh mẽ hơn và các quy tắc kiểm soát nhập cư tại biên giới với Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia hôm Chủ nhật nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus xâm nhập vào nước này. Điều đó đang đặt ra nhiều nguy cơ với các chuỗi cung ứng quan trọng.

Các hành động kiểm soát biên giới đã được thực hiện sau khi sự bùng phát của các biến thể ở Cộng hòa Séc và vùng Tyrol của Áo, lây lan nhanh hơn các chủng khác. Ùn tắc giao thông đã gia tăng nhanh chóng, với dòng chờ xe kéo dài lên đến 20 km tại Dresden hôm thứ Hai. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen, vốn sở hữu các thương hiệu Audi, Skoda và Seat, cho biết hôm thứ Ba rằng “không có tắc nghẽn nghiêm trọng” tại các nhà máy của họ do xe tải bị kẹt ở biên giới nhưng họ nói rằng các điều khoản được đưa ra để bù đắp sự thiếu hụt sẽ chỉ có hiệu lực trong “một khoảng thời gian nhất định.” Người phát ngôn của Volkswagen nói với CNN Business: “Nếu tình hình giao thông biên giới trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến việc xếp hàng dài hơn, sẽ không thể loại trừ nguy cơ sản xuất tại Volkswagen bị hạn chế.

BMW cho biết các nhà máy của họ đã được cung cấp và vận hành theo kế hoạch. Người phát ngôn cho biết công ty sẽ “theo dõi tình hình với sự phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp và đối tác hậu cần của chúng tôi.” Daimler, chủ sở hữu của Mercedes-Benz, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, ngành công nghiệp ô tô đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức, sử dụng trực tiếp hơn 880.000 công nhân trong lĩnh vực sản xuất. Các nhà máy của Đức đã sản xuất hơn 4,6 triệu xe ô tô trong năm 2019, chiếm hơn 1/4 tổng sản lượng của EU. Mối đe dọa về sự chậm trễ của các bộ phận từ các nhà cung cấp ở Đông Âu là mối đe dọa mới nhất trong một loạt các vấn đề hậu cần đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, khiến họ tạm thời đóng cửa một số nhà máy vào năm ngoái trong những tháng đầu của đại dịch. Gần đây hơn, họ buộc phải đối mặt với sự thiếu hụt toàn cầu về chip máy tính được sử dụng trong xe của họ. Tháng trước, Volkswagen cho biết sự thiếu hụt chip máy tính sẽ buộc hãng phải điều chỉnh hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu trong quý này.

Joachim Lang, giám đốc điều hành của Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Funke Mediengruppe của Đức rằng có thể xuất hiện nhiều vấn đề trên khắp lục địa. Ông cảnh báo: “Có một nguy cơ lớn là chuỗi cung ứng sẽ bị phá vỡ trên toàn châu Âu trong vài ngày tới”.

Hùng Trần