Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm: Bức tranh nhiều “gam màu sáng”

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay bức tranh xuất khẩu thủy sản vẫn ghi nhận nhiều “gam màu sáng”, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nga… đều có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu 8,5 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy 6 tháng đầu năm, hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng khá tốt; trong đó xuất khẩu tôm tăng 13%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 24%, đặc biệt nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng trưởng đến 45%. Điểm nổi bật trên thị trường thời gian này là sản phẩm tôm của Việt Nam đã thể hiện được sức cạnh tranh vượt so với tôm Ấn Độ, tôm Indonesia…

Về thị trường, ngoại trừ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 6%, còn lại kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực đều tăng như: Nga tăng tới 61%, Mỹ tăng 37%, EU tăng 21%, khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 12%… Nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại hầu hết các thị trường lớn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng qua đạt 4,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch

Phó Tổng thư ký VASEP – ông Nguyễn Hoài Nam cho biết những tháng còn lại của năm 2021, để đón đầu cơ hội một số thị trường xuất khẩu chủ lực đã kiểm soát được dịch bệnh, ngành thủy sản Việt Nam phải chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, nuôi trồng để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu của ngành. Ngay lúc này, vấn đề tăng cường chia sẻ thông tin và xử lý các rào cản thị trường là vô cùng cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới nói chung – các thị trường lớn nói riêng (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đang tăng trưởng trở lại. Với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam ký kết (CPTPP, EVFTA, RCEP), dự báo xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến.

Riêng thị trường Trung Quốc được xem là thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam và các nước khác, xuất phát từ những quy định kiểm tra chặt chẽ tại các cảng nhập khẩu liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh và tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng nhập khẩu của Trung Quốc. Đó là nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản vào thị trường này chững lại, thậm chí sụt giảm trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nga… có chiều hướng hồi phục mạnh.

Theo ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành thủy sản cần tìm hiểu rõ các yêu cầu, các quy chuẩn, tiêu chuẩn của họ để quay trở lại chỉ đạo sản xuất, vì số lượng doanh nghiệp và số loài được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là rất lớn. Riêng đối với mặt hàng tôm, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 theo như Chính phủ đề ra thì công tác giống và an toàn sinh học được xem là 2 yếu tố mang tính quyết định. Chính vì vậy cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu công nghệ cao sản xuất tôm giống.

Hoàng Oanh