Lý do các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục niêm yết ở Mỹ

Hôm thứ Ba, cổ phiếu của Didi đã giảm 20% sau khi nhà chức trách Trung Quốc mở cuộc điều tra về gã khổng lồ gọi xe vốn đã huy động được 4,4 tỷ USD vào tuần trước trong một đợt IPO lớn ở New York.

Đây là tin xấu đối với các nhà đầu tư. Điều đó cũng không có lợi cho Thị trường Chứng khoán New York, nơi đã bị lôi kéo vào một chiến dịch của các chính trị gia Mỹ, những người muốn ngăn các công ty Trung Quốc huy động tiền ở New York.

Động thái này cũng kéo theo ảnh hưởng chính trị. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một đảng viên Cộng hòa từ Florida nói với Financial Times rằng việc Didi được phép bán cổ phiếu là “liều lĩnh và vô trách nhiệm. Ngay cả khi cổ phiếu tăng trở lại, các nhà đầu tư Mỹ vẫn không có cái nhìn sâu sắc về sức mạnh tài chính của công ty này vì Đảng Cộng sản Trung Quốc chặn các cơ quan quản lý của Mỹ xem xét các sổ sách. Điều đó khiến các khoản đầu tư của những người nghỉ hưu Mỹ gặp rủi ro và giúp đổ tiền vào Bắc Kinh”.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật vào tháng 11 cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty mà chính phủ Mỹ nghi ngờ thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Điều đó đã buộc các sàn giao dịch của Mỹ phải hủy niêm yết một số công ty Trung Quốc, bao gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom. Tổng thống Joe Biden cũng đã đi theo con đường tương tự, mở rộng các hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội.

 Câu hỏi đặt ra ở đây là với bối cảnh chính trị như vậy, tại sao các công ty Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc niêm yết tại Mỹ? Các nhà phân tích nói rằng hiện có một số lợi thế khi niêm yết ở New York:

• Thanh khoản vượt trội

• Cơ sở đầu tư lớn

• Quy trình niêm yết hợp lý

Đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, việc niêm yết tại Mỹ thậm chí còn hấp dẫn hơn vì các nhà đầu tư Mỹ đã quen với việc giao dịch với các công ty khởi nghiệp. Và các sàn giao dịch của Mỹ chấp nhận nhiều phương pháp định giá hơn. Hồng Kông đã cố gắng sao chép hoạt động kinh doanh từ New York trong những năm gần đây, khuyến khích các công ty Trung Quốc bán cổ phiếu tại thành phố này.

Nhưng sức hút của New York rất mạnh. Theo Jefferies, 10 công ty Trung Quốc đã hoàn thành IPO tại Mỹ vào năm 2020, chiếm hơn 20% thị trường không bao gồm SPAC.

Didi là người tiếp nối xu hướng đó. Đây là đợt IPO lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc kể từ khi Alibaba ra mắt vào năm 2014.

Nhật Nam