Xuất khẩu nông thủy sản sang EU – Biến thách thức thành cơ hội

Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết từ cấp song phương đến châu lục, liên châu lục được xem là cơ hội “vàng” cho tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản trong nước. Tuy nhiên đi cùng cơ hội là không ít rào cản xuất phát từ các tiêu chuẩn kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ nền sản xuất nội địa.

Xuất phát từ nguyên nhân thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và vấp phải nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu mà thời gian qua, các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Điển hình như quy định về chất cấm, dư lượng kháng sinh trong cá tra, tôm, chè, gạo, trái cây xuất khẩu… bị Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan kiểm định châu Âu cảnh báo. Mới đây nhất, hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh báo vì vi phạm các nguyên tắc IUU. Trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, ngay cả thị trường Trung Quốc vốn được đánh giá là dễ tính cũng đang nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu và tăng cường quản lý thương mại biên giới.

Đối với công tác kiểm dịch thực vật, các quốc gia nhập khẩu cũng đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng,… Tương tự với an toàn thực phẩm, nhiều mức dư lượng đang được các nước nhập khẩu quy định ở mức 0 hoặc rất thấp. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập; hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Rõ ràng những tiêu chuẩn kỹ thuật mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra đang đòi hỏi nỗ lực thay đổi rất lớn từ không chỉ người nông dân, ngư dân, doanh nghiệp mà cả sự tham gia, hỗ trợ tích cực của cơ quan nhà nước quản lý đầu vào, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo ra khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn…

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm không nên dùng thuật ngữ “rào cản kỹ thuật” với nghĩa tiêu cực, vì thực tế là đây chính là những tiêu chuẩn kỹ thuật, những “luật chơi” rất công bằng mà các doanh nghiệp Việt Nam hay bất kỳ ở quốc gia nào muốn gia nhập “sân chơi” chung cần phải đáp ứng.

Theo ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia Phái đoàn Liên minh châu Âu, trong lĩnh vực nông sản, những tiêu chuẩn kỹ thuật thực ra lại là những cơ hội cho Việt Nam. Trong của Hiệp định EVFTA, Chương các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực vật và kiểm dịch động vật (SPS) có nội dung coi EU là thực thể đơn nhất, các yêu cầu về nhập khẩu hàng vào một nước từ một sản phẩm tương tự sẽ không được áp dụng khác đi. “Như khi Việt Nam cho phép một trái táo Pháp nhập khẩu vào thì trong tương lai một trái táo tương tự từ Ba Lan không phải lặp lại yêu cầu kỹ thuật, do đã được chứng minh tại mặt hàng xuất khẩu đầu tiên. Quy định này đã được áp dụng ở Việt Nam và trong tương lai sẽ được áp dụng cho hàng hoá Việt vào châu Âu” – ông Kỳ Anh nêu ví dụ.

Qua đây có thể khẳng định nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của EU, nông thủy sản Việt hoàn toàn có thể tự tin bước vào bất kỳ thị trường nào khác. Ngay cả đối với thị trường nội địa, nếu chuẩn hàng xuất tăng lên, sẽ có ngày càng nhiều nhà sản xuất thay đổi cách làm của mình, đồng thời nâng chất lượng hàng cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ngọc Anh