Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chững lại do virus Corona diễn biến phức tạp

Trước chiều hướng lan rộng và diễn biến phức tạp của bệnh dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra tại Trung Quốc, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo nhanh về tác động của dịch bệnh đến thương mại của Việt Nam. Theo khuyến cáo của cơ quan này, nếu dịch viêm phổi kéo dài, hoạt động thông thương tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu.

Doanh nghiệp nông sản cần chủ động giải pháp xuất nhập khẩu với Trung Quốc

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây. Theo lịch đã được thông báo từ trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, phía Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa khẩu để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vào ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn thị Bằng Tường từ ngày 31/1/2020 đến hết ngày 8/2/2020 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9/2/2020 để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3/2/2020).

Theo báo cáo của Cục Xuất Nhập khẩu, trước mắt chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của dịch bệnh này. Mặt khác do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Cục đánh giá nếu dịch viêm phổi kéo dài, hoạt động thông thương tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu.

Trước tình hình đó, Cục Xuất Nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống phía Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước phù hợp. Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.

Cục Xuất Nhập khẩu cũng đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương lái, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…) nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về phía Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc; qua đó góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh này đến hoạt động thương mại song phương nói chung giữa hai nước.

Minh Phượng