Xúc tiến thương mại qua các kênh giao dịch điện tử – “Bệ phóng” cho hàng Việt vươn ra thế giới

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là khi Việt Nam vừa ký kết một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thì việc quảng bá, xuất khẩu hàng hóa qua các kênh giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đưa hàng hóa “made in Vietnam” khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Chia sẻ về xu hướng TMĐT tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết tốc độ phát triển của TMĐT và thương mại số, kinh tế số tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo có thể bùng nổ trong thời gian tới. Đón đầu cơ hội này, xúc tiến xuất khẩu sẽ hướng đến việc thông qua môi trường TMĐT và công nghệ số. Đây cũng chính là kế hoạch được ưu tiên đặc biệt trong các chính sách xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương.

Bằng chứng là vừa qua Bộ Công Thương đã chủ động liên hệ với hàng loạt DN TMĐT toàn cầu (Amazon, Alibaba…) và mời các “ông lớn” này đến Việt Nam giao thương, tiếp xúc cũng như hợp tác hỗ trợ cho các DN Việt, nhất là các DNNVV; qua đó giúp DN tăng cường ứng dụng các công vụ của TMĐT, kinh tế số vào hoạt động xuất khẩu một cách hiệu quả,  góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu và doanh thu hàng năm.

Theo chia sẻ của Cục trưởng Vũ Bá Phú, khi tham gia vào các chương trình Xúc tiến Thương mại thông qua nền tảng TMĐT, các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ được hướng dẫn, được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể ứng dụng một cách hiệu quả để quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu của mình trên nền tảng kỹ thuật số, nền tảng TMĐT ra thị trường quốc tế.

Về phía Cục Xúc tiến Thương mại cũng đã phối hợp với Amazon Global Selling triển khai chương trình xúc tiến xuất khẩu thông qua trang TMĐT Amazon. Các nội dung hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Amazon Global Selling bao gồm: Hỗ trợ DN Việt Nam trong đó ưu tiên cho các DNNVV tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com; Phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam trong môi trường TMĐT của Amazon.com; Tổ chức các chương trình đào tạo cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam về TMĐT để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon.com.

Chương trình xúc tiến xuất khẩu giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Amazon sẽ diễn ra trong vòng 3 năm (2019 – 2021). Thông qua Chương trình này sẽ giúp các DN Việt Nam tiếp cận được với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Xúc tiến Thương mại đã lựa chọn ra được 105 DN của Việt Nam (chủ yếu là các DNNVV) để tiến hành huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ. Trong số này có hơn 50% DN đã đăng ký thành công website của mình trên Amazon và có 14 DN đã tiến hành giao dịch thành công. Trong những ngày khuyến mại đặc biệt của Mỹ vừa qua, nhiều DN của Việt Nam đã bán hết sạch hàng của mình trong kho của Amazon. Phát huy kết quả ban đầu đạt được, Cục đang tiếp tục lựa chọn các thương hiệu, DN và tập trung giới thiệu tại gian hàng chung của Việt Nam trên Amazon.

Ông Phú cho biết một trọng những mục tiêu của Cục Xúc tiến Thương mại trong thời gian tới là tận dụng tối đa các lợi ích thương mại đến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Xúc tiến xuất khẩu sẽ ưu tiên vào các thị trường có FTA với Việt Nam với các ngành hàng được giảm thuế sâu nhất; sau đó mới đến các thị trường truyền thống đã có sẵn nền tảng hợp tác, xuất khẩu và hàng hóa Việt Nam đã có lợi thế cạnh tranh nhất định; kế tiếp đó mới xúc tiến vào các thị trường xuất khẩu mới. Cục cũng sẽ chú trọng tìm kiếm đối tác tiềm năng, ví dụ như nhà phân phối, hiệp hội… cho các DN trong nước, đặc biệt là đối tượng DNNVV. Cục Xúc tiến Thương mại sẽ giúp đỡ DN cải thiện thông tin tư vấn về thị trường cho các DN nhằm tạo ra một kênh thông tin về thị trường thông suốt giữa các thương vụ, các cơ quan đại diện của Việt Nam trên thị trường thế giới với Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và trung tâm xúc tiến thương mại của các địa phương, các hiệp hội DN…

Xuân An