Thị trường chứng khoán Việt Nam dưới tác động của dịch virus Corona

Những ngày gần đây, tốc độ lây lan nhanh chóng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vius Corona (nCoV) đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ…

 

VN-Index là một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á

Trong phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý hôm 30/1, chỉ số VN-Index đã giảm 31,88 điểm (3,22%) xuống 959,58 điểm. Mức giảm 4-5% là khá phổ biến ở một loạt các mã như VCB, CTG, MBB, VJC, BID, VRE, MWG. Nhiều mã ở nhóm vốn hóa trung bình cũng giảm sàn như HBC (-6,84%), HCM, HVN, D2D, DLG, ANV, NKG, DLG.

Với mức giảm 3,22%, VN-Index đã trở thành một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á trong phiên 30/1, chỉ xếp sau thị trường Đài Loan.

Châu Á đỏ lửa vì Corona

Cổ phiếu hàng không lao dốc

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy trong năm 2019, số lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt, chiếm 32,24% tổng lượng khách quốc tế. Với tỷ trọng du khách Trung Quốc lớn, cùng quyết định tạm ngừng cấp phép các chuyến bay tới vùng có dịch đã tác động không nhỏ tới hoạt động du lịch nội địa, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Trong phiên giao dịch khai xuân Canh Tý hôm 30/1, cổ phiếu ngành hàng không là nhóm bị nhà đầu tư bán tháo mạnh nhất với hàng loạt cổ phiếu giảm sâu như cổ phiếu của Tổng Công ty Cảng hàng không Vietnam Airlines (Mã HVN), Công ty CP Hàng không Vietjet (Mã VJC)… Cụ thể cổ phiếu VJC của Vietjet giảm 6.500 đồng (4,4%) thị giá, xuống mức 140.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines còn giảm kịch biên độ gần 7%, hiện có giá 30.550 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm giá này, vốn hóa hai hãng hàng không Việt đã “bốc hơi” gần 4.000 tỷ đồng (Vietnam Airlines mất đi gần 3.200 tỷ đồng, Vietjet mất gần 8.000 tỷ đồng).

Không chỉ cổ phiếu hãng hàng không, nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong ngành này cũng chịu chung cảnh giảm giá mạnh vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc virus Corona bùng phát thời gian qua. Trong đó cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không như Sasco, CIAS, Taseco Air (AST) cũng giảm sâu trong phiên khai xuân hôm 30/1.

Cổ phiếu hàng không giảm sâu trong phiên 30/1

Thêm “liều thuốc” hỗ trợ tâm lý giới đầu tư

Có thể thấy diễn biến tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona lây lan đã khiến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm mạnh. Tuy nhiên đây không phải lần đầu thế giới hứng chịu những thảm họa như vậy. Nhìn vào lịch sử các dịch bệnh lớn từng xuất hiện trước đó, thị trường chứng khoán cũng từng có những phản ứng tiêu cực nhưng đều nhanh chóng hồi phục, thậm chí tăng điểm. Cụ thể, đại dịch SARS diễn ra năm 2003, chỉ số MSCI World Index thậm chí tăng 8,64% trong 1 tháng khi diễn ra dịch bệnh và tăng 21,51% trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt đầu dịch bệnh.

Chỉ số MSCI World Index vẫn tăng mạnh bất chấp các “đại dịch”

Dịch cúm H5N1, chỉ số MSCI World Index giảm nhẹ 0,18% trong vòng 1 tháng kể từ khi bắt đầu dịch bệnh nhưng đã tăng 9,68% sau nửa năm.

Dịch bệnh Zika trong năm 2016 khiến MSCI World Index giảm 6,05% trong 1 tháng kể từ khi bắt đầu, nhưng trong vòng 6 tháng chỉ số này chỉ giảm có 0,57%. Tương tự với dịch bệnh Ebola năm 2018, chỉ số MSCI World Index cũng giảm mạnh 7,42% trong vòng 1 tháng nhưng sau nửa năm, mức giảm của chỉ số này chỉ còn 3,49%.

Dẫu biết lịch sử không phải bao giờ cũng lặp lại song những số liệu thống kê hết sức lạc quan trên sẽ phần nào giúp giới đầu tư vơi bớt nỗi lo, củng cố tâm lý trong những phiên giao dịch khó khăn bởi dịch Corona.

Xuân Vinh