Việt Nam và thách thức mới già hóa dân số

Đó là nội dung chính Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” vừa được công bố. Đây là nghiên cứu mới nhất do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation

Báo cáo nhận định sự dịch chuyển nhân khẩu học toàn cầu đã đến Việt Nam và nước ta đang phải đối mặt với một thách thức mới – tình trạng già hóa dân số. PGS Nguyễn Tuấn Anh – Phó khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là phần lớn người cao tuổi vẫn đang phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình.

 PGS Nguyễn Tuấn Anh nêu dẫn chứng có gần 46% người trong độ tuổi từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người trong độ tuổi từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống. Hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo nếu tính dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (khu vực nông thôn thu nhập dưới 1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị thu nhập dưới 1,3 triệu đồng/người/tháng). Thống kê năm 2019 cho thấy chỉ có 23,5% trong tổng số số 13,4 triệu người cao tuổi  được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc có đến 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, gia đình, họ hàng hoặc đang lao động để kiếm sống.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh – Viện trưởng Xã hội học, dự báo giai đoạn đến năm 2035, cứ hai người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ phải “gánh” không quá một người ngoài tuổi lao động. Nhưng sau năm 2035, dự báo cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải “gánh” 3 người.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Quang Minh – Trưởng bộ môn Nghiên cứu phát triển quốc tế, đồng chủ biên của Báo cáo cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam chỉ kéo dài trong ba thập kỷ, từ năm 2005 đến năm 2035. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2019, dân số nước ta đã có dấu hiệu già hóa với 10,4 triệu người hơn 65 tuổi, chiếm 7,7% dân số.  “Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo chỉ trong khoảng 20 năm (2015-2035), tỷ trọng người già trong nước sẽ tăng từ 7% lên 14%. Trong khi đó các quốc gia khác trên thế giới thường có tốc độ già hóa dân số chậm hơn như Thụy Điển (85 năm); Australia (73 năm); Ba Lan (74 năm); Trung Quốc (27 năm). Thời kỳ dân số vàng chưa qua, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Điểm khác biệt so với nhiều nước là chúng ta già hóa dân số trước khi giàu và đây thực sự là một thách thức rất lớn. Thêm một thách thức khác đối với các nhà làm chính sách ở Việt Nam là đa số người cao tuổi lại đang mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, cao huyết áp… ” – GS. TS. Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Để thích ứng với thời kỳ dân số già, Báo cáo đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng  xây dựng các chính sách hỗ trợ người già có thể tự lo được cuộc sống.

Thống kê cho thấy trong 10 năm trở lại đây, dân số Việt Nam tăng 11 triệu người, đồng thời số người già tăng gần 4 triệu. Đây là mức tăng dân số già rất cao so với các nước trong khu vực. Cả nước hiện có 11,4 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm gần 12% dân số. Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019. Từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10% và Việt Nam chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007, bước vào thời kỳ dân số già.

Quang Anh