GS Võ Tòng Xuân: “Tôi tin ở vị trí lãnh đạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình…”

Tháng 4/2021, người dân Đồng Tháp hân hoan đón nhận tin vui khi ông Lê Minh Hoan –  Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chính thức trở thành Tư lệnh của ngành nông nghiệp.

Là người có nhiều năm gắn bó với vị Bộ trưởng gốc sông nước này từ khi ông còn là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, GS Võ Tòng Xuân nhận xét ông Lê Minh Hoan là một người rất quyết liệt và chịu khó. Thời điểm còn đương nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, ông Hoan đã áp dụng rất nhiều mô hình sáng tạo góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp địa phương, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.

Vốn là một người ham học hỏi nên cứ thấy ở đâu, tỉnh nào tổ chức hội thảo khoa học, ông Hoan đều tìm đến tham dự, không kể xa gần. Khi trở về Đồng Tháp, ông tập hợp nông dân Đồng Tháp Mười lại thành hợp tác xã, lập tụ điểm cho dân họp bàn kinh nghiệm sản xuất, luôn so sánh mùa vụ của tỉnh với nơi khác để thiết kế không bị trùng lặp khiến giá thành nông sản bị giảm… Ngay khi Nghị quyết “Thuận thiên” số 120 được ban hành, ông Hoan cũng là một trong những người nhanh chóng giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lập các HTX  trồng xoài, quýt hồng, đậu nành, đậu phộng,…Trong đó, phải kể đến thành công lớn nhất là công cuộc giảm giá chi phí sản xuất lúa của bà con nông dân Đồng Tháp từ hơn 4.000 đồng xuống còn 2.500 đồng/ký (nhờ hạn chế chi phí phân, cây chống sâu bệnh tốt không phải tốn thêm tiền thuốc bảo vệ thực vật), từ đó lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể giúp nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân. Từ thành công của Đồng Tháp, phương pháp giảm giá chi phí sản xuất lúa của ông Hoan đã được áp dụng tại rất nhiều tỉnh ở Tây Nam bộ, đem lại niềm phấn khởi, hân hoan cho người nông dân miền sông nước.

Quay trở lại với Nghị quyết 120, GS Võ Tòng Xuân cho biết đến nay Nghị quyết “Thuận thiên” đã góp phần mang lại một diện mạo mới đầy khởi sắc cho ngành nông nghiệp nước nhà, đưa Việt Nam vươn lên thứ hạng rất cao trong số các nước xuất khẩu nông sản cho thế giới, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc…Tuy nhiên “nút thắt” ở đây là Việt Nam đạt được sản lượng nhưng chất lượng thì không. Thực tế nông nghiệp nước ta chỉ đang ở 30 năm trước của các nước tiên tiến thôi. Đó là tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy đào ao nuôi cá, trồng cây, làm vuông tôm,… Sự quy hoạch không ngay hàng thẳng lối ấy dẫn tới rất nhiều sự hụt hẫng về chất lượng và năng suất, tạo ra nhiều cò mối trung gian, thương lái đẩy giá cả lên cao, trong khi nguồn nguyên liệu thì không đảm bảo.  “Trong tương lai, Việt Nam không nên chỉ trông đợi vào thị trường 90 triệu dân nữa, mà còn là ở quốc tế. Thế nhưng bạn biết rồi đấy! Mỗi năm nước ta vẫn nhập hơn 5000 loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này. Nước ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng nhất thế giới và cái mác “thực phẩm Việt Nam rất bẩn” đã quá nổi tiếng khiến chúng ta đang sửa sai lại càng thêm khó…Từ thời của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tôi đã viết một hiến kế gửi ông. Khi đó, nông nghiệp chúng ta chỉ mới manh mún phong trào làm sạch nên đến bây giờ dựa trên di sản đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục kế thừa phát triển sự nghiệp này. Đó thực sự là một thách thức rất lớn” – GS Võ Tòng Xuân cho hay

Để tháo gỡ những “nút thắt” này, theo GS Võ Tòng Xuân, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước châu Âu, chú trọng gắn kết người nông dân, dồn điền để tạo những vùng nông nghiệp diện tích lớn. Ngoài tạo ra nguồn nguyên liệu đồng bộ, biện pháp này còn giúp giải quyết vấn đề vận chuyển, cò mối…Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, lấy sản phẩm thích nghi từng vùng mà tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Trong đó mỗi địa phương cần phải hiểu rõ đặc điểm thuận lợi của mình để khai thác hiệu quả. Ví dụ, miền Bắc thay vì trồng lúa thì trồng vải thiều, nhãn lồng, mùa đông thì đánh mạnh vào khoai tây để xuất khẩu; miền Trung thì trồng mía, nuôi thuỷ hải sản…; miền Tây thì phát triển các loại đặc sản vốn nổi tiếng như vú sữa, măng cụt, sầu riêng, con tôm…

Bên cạnh đó Nhà nước cần tạo ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp có diện tích làm cơ sở chế biến, bảo quản. Đồng thời cần mở cái gói thầu để thương lái, doanh nghiệp tham gia đấu giá, vừa đảm bảo sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn, vừa hợp lý về giá cả. Những chi phí trung gian từ đó được đưa về cho người tiêu dùng một phần, còn lại là nông dân. “Điều sau cùng tôi muốn nói là Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm rất tốt công tác tại tỉnh nhà Đồng Tháp. Thế nhưng chúng ta vẫn phải hiểu rằng mỗi người không thể là “ông tiên” để biết hết tất cả mọi thứ. Vì vậy, giống như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng làm, Bộ trưởng cần có một nhóm tư vấn để đưa ra tham luận, quyết định sáng suốt. Trong thập kỷ tới, việc vừa xây dựng hoàn thiện canh tác đồng bộ trong nước, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, vừa đưa Việt Nam vươn ra thành “cái bếp ăn” của thế giới là một thách thức mà theo tôi chỉ có người lãnh đạo mới có thể giải quyết được. Và với một người suốt đời nặng lòng vì dân, lo cho dân, tôi tin ở vị trí lãnh đạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình” – GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Việt Trung