Việt Nam và cơ hội vươn lên trở thành công xưởng của thế giới

Bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung kéo dài, dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp cộng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tại Mỹ, châu Âu và nhất là Trung Quốc buộc các doanh nghiệp FDI phải tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các doanh nghiệp FDI.

Theo Bảng xếp hạng thường niên về các thị trường sản xuất thích hợp trên toàn cầu dựa trên việc so sánh 48 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương vừa được Cushman & Wakefield công bố, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất toàn cầu. Tuy nhiên điểm đáng chú ý là Việt Nam xếp hạng ngay sau Trung Quốc cho thấy nhà đầu tư FDI đánh giá rất cao và dành cho Việt Nam rất nhiều thiện cảm.

Còn Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật (JETRO) công bố kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh vào khu vực Đông Nam Á thay vì Trung Quốc do những căng thẳng leo thang giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington.  Cụ thể có đến 41% doanh nghiệp Nhật trả lời có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhu cầu về nguồn cung ứng linh kiện tại chỗ rất lớn và là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Tp.HCM.

Ông Hirai Shinji – Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại Tp.HCM, cho biết các công ty Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy thông qua việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất, nhất là sau gần 10 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Để Việt Nam duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty sản xuất Nhật Bản khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, việc phát triển các cụm công nghiệp thông qua tăng cường mạng lưới kinh doanh giữa các công ty Nhật Bản và địa phương nhằm thúc đẩy công nghệ sản xuất tiên tiến là vô cùng cần thiết. “Với nhiệm vụ kết nối thương mại – đầu tư, Văn phòng JETRO tại Tp.HCM có kế hoạch thực hiện nhiều dự án khác nhau để giúp phát triển mối quan hệ của các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam” – ông Hirai Shinji nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.  Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, vươn lên trở thành công xưởng của thế giới đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi yếu tố từ sự thông thoáng của môi trường đầu tư kinh doanh cho đến nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển…Tín hiệu vui là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Với nhiều chính sách mới, Nghị quyết 115/NQ-CP được xem là “bệ phóng” cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương – tỉnh Bắc Ninh – Samsung Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh triết lý kinh doanh “Đồng thịnh vượng”, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và cơ quan hữu quan, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu trong thời gian tới. “Hiện chúng tôi đã hoàn thiện năng lực sản xuất và đưa vào chuỗi cung ứng hơn 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong thời gian tới, Tập đoàn đang nỗ lực tìm thêm khoảng 50 doanh nghiệp cung ứng khác nữa” – ông Choi Joo Ho chia sẻ

Thêm một tin vui khác nữa mới đây, sau khi dự án đầu tiên nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn Pegatron đến từ Đài Loan đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD. Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo và Apple.

Bà Lê Bích Loan – Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) cho biết những năm gần đây, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp FDI tại SHTP ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 chỉ chiếm khoảng 16%, thì tới cuối năm 2019, tỉ lệ này đã được nâng lên khoảng 22% và trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 33%. Nhiều khả năng tỉ lệ nội địa hóa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều quan trọng là trong bối cảnh các đơn hàng cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI sẽ nới lỏng tiêu chuẩn chọn đơn vị cung ứng. Thay vì loại bỏ những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng tiêu chí cung ứng thì doanh nghiệp FDI sẽ chọn hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế để hoàn thiện năng lực, đảm bảo gia nhập bền vững chuỗi cung ứng của mình. Theo bà Loan, đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt từng bước hoàn thiện năng lực sản xuất của mình, chính vì vậy các doanh nghiệp scần chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng để gia tăng khả năng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Minh Anh