Việt Nam quyết liệt vào cuộc trấn áp hành vi gian lận xuất khẩu của các công ty Trung Quốc

Bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang ngày càng khốc liệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong năm 2019 này. Đó cũng chính là nguyên do khiến Việt Nam trở thành “điểm nhắm” của các công ty Trung Quốc muốn tránh thuế Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Âu Anh Tuấn – Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan cho biết cơ hội rộng mở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ cũng khiến nước ta dễ rơi vào tình trạng bị các công ty Trung Quốc lợi dụng, đưa hàng đội lốt “made in Vietnam” vào thị trường Mỹ. “Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được khơi mào, chúng tôi đã phát hiện một loạt hành vi gian lận thương mại và tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã đẩy mạnh hợp tác với chính quyền Mỹ để trấn áp hành vi gian lận xuất khẩu của các công ty Trung Quốc muốn tránh thuế Mỹ. Hiện tại chúng tôi đang triển khai các bước một cách quyết liệt, bao gồm danh sách 25 loại hàng hóa cần theo dõi” – người đứng đầu Cục Giám sát quản lý về hải quan chia sẻ.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, thương mại hàng hóa Việt Nam – Mỹ đã tăng gấp 3 lần, từ mức tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 18,01 tỷ USD ghi nhận trong năm 2010 lên mức 60,28 tỷ USD trong năm 2018. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa Việt Nam – Mỹ đạt gần 41 tỷ USD trong, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại Việt – Mỹ sôi động tạo cơ hội để các công ty Trung Quốc giả hàng Made in Vietnam lách thuế nhập khẩu của Mỹ cũng như trà trộn vào thị trường Việt Nam để lừa người tiêu dùng trong nước.

Ông Nestor Scherbey, một nhà tư vấn và môi giới hải quan được cấp phép của Mỹ cho biết: “Việt Nam thực sự cần phải đẩy mạnh kiểm soát gian lận xuất xứ. Nếu các bạn không chú ý đến nước xuất xứ của hàng hóa đang xuất khẩu, các bạn sẽ gặp rắc rối”.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Capital Economics ước tính rằng nếu ông Trump áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam như ông đã làm với hàng hóa Trung Quốc, nó sẽ khiến cho tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm hơn 1%, gấp đôi so với mức tăng 0,5% mà Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến này. Các quan chức Việt Nam cho biết sẽ mua thêm các mặt hàng có giá trị lớn từ Mỹ, bao gồm cả máy bay Boeing và khí đốt tự nhiên hóa lỏng để giúp cắt giảm thặng dư thương mại.

Thông tin từ ông Mai Xuân Thanh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, lực lượng hải quan Việt Nam đang để mắt đến hai mặt hàng linh kiện điện tử và nội thất bằng gỗ bởi kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra do hoạt động xuất khẩu đáng ngờ nên hàng trăm công ty trong và ngoài nước cũng đang bị lực lượng hải quan thực hiện chế độ giám sát đặc biệt.

Hồi đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bắt đầu từ ngày 27/12, Việt Nam sẽ đình chỉ hoạt động trung chuyển và nhập khẩu tạm thời các sản phẩm gỗ dán sang Mỹ. Quy định này sẽ có hiệu lực đến năm 2024. Về phía Ủy ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng đã quyết liệt yêu cầu các tỉnh dọc biên giới tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu.

Trong tháng 10 vừa qua, Hải quan Việt Nam cũng đã phát hiện và thu giữ khoảng 4,3 tỷ USD nhôm giả của Trung Quốc đội lốt “made in Vietnam” để chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là sang Mỹ. “Chúng tôi đang huy động tối đa nguồn lực và nhân lực để ngăn chặn gian lận xuất khẩu và chuyển hàng bất hợp pháp. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn đang tiếp diễn” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Kim Phương