Việt Nam – Đối thủ đáng gờm của Ấn Độ trong cuộc đua thu hút vốn FDI

Theo nhận xét của Modern Diplomacy, trong nỗ lực thu hút vốn dòng vốn FDI từ các “ông lớn” đang tìm cách dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ đang phải chạy đua với một đối thủ không hề dễ chịu là Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn tài chính Nomura (Nhật Bản), từ tháng 10/2018 đến tháng 8/2019 có tổng cộng 26/56 công ty dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN nhưng trong số này chỉ có 3 công ty chọn Ấn Độ làm điểm đến.

Giữa bộn bề khó khăn từ đại dịch Covid – 19, Ấn Độ vẫn rất cố gắng trong thu hút các nhà đầu tư FDI tiềm năng thông qua các chính sách ưu đãi và cải cách luật lao động. Tuy nhiên những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục các công ty rời Trung Quốc để đến với quốc gia đông dân thứ hai thế giới

Khi chính quyền New Delhi tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, họ không chỉ tìm cách nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI mà còn chủ động tăng cường quan hệ hợp tác thương mại với các đối tác tiềm năng. Tuy nhiên theo nhận định của Modern Diplomacy, chính quyền New Delhi cũng cần theo dõi sát sao động thái của các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Việt Nam bởi điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ.

Một trong những thuận lợi lớn của Việt Nam là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020. FTA này sẽ giúp loại bỏ tới 99% thuế hải quan giữa EU và Việt Nam.

Khi EVFTA đi vào hoạt động và EU bắt đầu xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam cũng là lúc các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ mất thị trường chính cho một số sản phẩm đến từ đất nước hình chữ S; nhất là các mặt hàng giày dép, dệt may, đồ nội thất…

Đơn cử kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU ước tính đạt khoảng 7,5 tỷ USD, trong khi con số này với Ấn Độ chỉ là 1,6 tỷ USD (hiện mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là 8%). Tương tự kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, trong khi con số này với Ấn Độ chỉ là 900 triệu USD. Quan trọng hơn, những năm gần đây xuất khẩu của Việt Nam sang EU gần như đã bắt kịp với Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính đạt khoảng 53 tỷ USD, xuất khẩu của Ấn Độ sang EU ước tính 58 tỷ USD).

Ấn Độ cũng đã tìm cách ký FTA với EU song vấp phải không ít rào cản trong tiếp cận thị trường, các vấn đề liên quan đến luật lao động, tính bền vững môi trường…

Các chuyên gia khuyến nghị chính quyền New Delhi cần phải xác định rõ lợi ích của mình và không thể tiếp tục đàn phán FTA khi không giải quyết được các vấn đề tiếp cận thị trường.

Ngoài ra để đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu Ấn Độ không mất thị trường EU vào tay các doanh nghiệp Việt Nam, Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cũng đang ra sức thúc giục Chính phủ xúc tiến FTA với EU.

Theo Modern Diplomacy, mặc dù Ấn Độ không thể vội vàng trong việc ký kết FTA với EU song họ cũng nên chú ý đến hai sự thật. Đầu tiên, cần tăng cường liên kết thương mại với EU trong bối cảnh khối này rất muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ tăng cường liên kết kinh tế và đảm bảo rằng mình không thua kém các nước khác. Thứ hai, Ấn Độ cần trút bỏ ảo tưởng và sớm nhận ra rằng trong một thế giới hậu Covid-19, họ không phải là lựa chọn duy nhất của các nhà đầu tư FDI mà còn có Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á.

Với vị trí đắc địa, chính sách ưu đãi hấp dẫn, môi trường đầu tư thông thoáng và đặc biệt là FTA với EU, Việt Nam sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Đặc biệt bên cạnh lợi thế là thành viên quan trọng của CPTPP, Việt Nam còn có khả năng sẽ được hưởng lợi lớn từ việc xử lý đại dịch nhanh chóng, sớm giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới cũng như đang từng bước nối lại các hoạt động kinh tế.

Minh Anh