Vị thế ngày càng vững chắc của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, rất nhiều đế chế công nghệ hàng đầu thế giới với những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao có giá trị tỷ USD đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo để thực thi chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.


Đế chế công nghệ hàng đầu của xứ sở Kim Chi đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn trụ vững với mức tăng trưởng GDP 2,9% – một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và dự báo sẽ đạt mức tăng 6,5% trong năm nay nhờ vào nền tảng kinh tế mạnh mẽ, các biện pháp ngăn chặn quyết liệt cùng hỗ trợ tốt từ Chính phủ, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

Chính những thành tích trên cùng với sự điều hành kinh tế – xã hội linh hoạt của Chính phủ đã dẫn dắt Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục, ít chịu tổn thương nhất và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đại diện tập đoàn công nghệ Đài Loan Foxconn mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam, sau dự án nhà máy Fukang Technology trị giá 270 triệu USD để sản xuất máy tính và máy tính bảng cho hãng Apple.

Một ông lớn cũng đến từ Đài Loan là Pegatron đã chốt khoản đầu tư trị giá gần 1 tỷ USD cho 2 nhà máy, cùng với ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trước đó, tập đoàn Intel đã xác nhận gói đầu tư thêm trị giá 475 triệu USD. Nhiều đại gia công nghệ khác như Google và Xiaomi cũng đang chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng sản xuất, lắp ráp sang Việt Nam để xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Lĩnh vực năng lượng cũng là điểm sáng trong thu hút FDI với một loạt cái tên như VinaCapital GS Energy Pte.Ltd, Delta Offshore Energy Pte. Ltd.

Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn vẫn tiếp tục thu hút thêm nhiều FDI chất lượng cao khi được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao. Theo khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản và EU đều cho rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng cũng như đặt niềm tin vào sự khởi sắc của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam năm 2021, bất chấp việc đại dịch Covid-19 chưa rõ bao giờ mới chấm dứt.

Gần đây nhất, đại diện tập đoàn AT&S đến từ Áo đã có buổi làm việc với Chính phủ cũng như đi khảo sát một số địa phương để tìm kiếm địa điểm đầu tư cho dự án sản xuất bảng mạch điện tử và chân đế vi mạch trị giá gần 1,8 tỷ USD. 

Mặc dù chưa đưa ra quyết định chính thức, nhiều chuyên gia cho rằng cơ hội ông lớn công nghệ này lựa chọn Việt Nam là tương đối cao bởi đại diện AT&S đã có những đánh giá tích cực về Việt Nam, đồng thời khẳng định Thái Nguyên là địa phương đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn.

Bà Priya Joseph, đối tác nghiên cứu của công ty nghiên cứu đa ngành Counterpoint nhận xét, giống như Trung Quốc, Việt Nam được biết đến với các chiến lược toàn diện trong giai đoạn 5 năm và 10 năm, với những chính sách và mục tiêu cụ thể. Những nỗ lực này, trong suốt 30 năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tăng trưởng, cũng như giúp Việt Nam tận dụng cơ hội hấp thụ dòng vốn quốc tế, đến từ nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước những tác động của đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ – Trung.

“Sự theo đuổi chưa từng có với chính sách thân thiện với doanh nghiệp, tự do hóa nền kinh tế cùng với giá nhân công thấp, nhân lực dồi dào và nỗ lực nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng là những “chất xúc tác” giúp Việt Nam trở thành điểm đến phù hợp với chiến lược Trung Quốc+1”, bà Joseph cho biết.

Cùng với đó, việc tham gia vào gần 20 hiệp định tự do thương mại, trong đó có các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới quy mô lớn như CPTPP, EVFTA cũng là điểm cộng cho nền kinh tế năng động bậc nhất Đông Nam Á.

Bước vào thời đại mới, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 có hơn 10 địa phương đạt doanh thu công nghệ thông tin hơn 1 tỷ USD, đến năm 2030 nằm trong 4 nước dẫn đầu ASEAN và 50 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Để thực hiện những mục tiêu tham vọng này, Việt Nam đang thực hiện những chiến lược phù hợp, cụ thể là định hướng hướng tới các lĩnh vực có giá trị gia tằng cao, có tiềm năng xuất khẩu, các dự án về công nghệ cao. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các dự án FDI thu hút trong thời gian tới phải “sử dụng ít đất hơn, ít tài nguyên hơn, ít năng lượng hơn, ít lao động hơn nhưng lại có đóng góp vào ngân sách lớn hơn” và khẳng định “chỉ có công nghệ cao mới giải quyết được những vấn đề đó”.

Song song với đó, ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cơ khí, hóa chất và viễn thông cũng được đẩy mạnh. Theo bà Joseph, những ngành công nghiệp phụ trợ này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một định hướng khác trong thu hút FDI của Việt Nam là ưu tiên những doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ thuế, có cam kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân công cũng như cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Với định hướng, mục tiêu cũng như những thành công bước đầu, Counterpoint nhận định Việt Nam đang vươn mình trở thành một trong những điểm đến tối ưu cho các nhà sản xuất trên thế giới và “là quốc gia có thể thay đổi tiến trình của kỷ nguyên công nghệ”.

Duy Anh