Vì sao Đức trở thành tượng đài vững chãi giữa tâm “bão” Covid – 19?

Là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu, Đức cũng đồng thời được xem là một hình mẫu chống dịch tốt ở châu Âu với tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Có được thành công này là nhờ Chính phủ Đức đã có sự tính toán kỹ lưỡng và hành động từ rất sớm giúp hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và của do Covid – 19 gây ra.

Theo tờ New York Times, việc đẩy lùi hiệu quả Covid-19 cho phép Đức chỉ cần thực hiện giãn cách xã hội ở khu vực nhất định trong thời gian ngắn, giúp hạn chế tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này xuống chỉ còn 6%. Những thành tựu nổi bật trong phòng chống dịch bệnh đưa Đức trở thành một trong số các nền kinh tế lớn có khả năng phát triển mạnh nhất trong thế giới hậu đại dịch.

Câu hỏi đặt ra là cùng với Đức, đâu là những quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay? Dĩ nhiên không phải là Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi hai cường quốc này đang phải gánh quá nhiều nợ và Chính phủ hai nước thì bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã để dịch bệnh lan tràn. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng, một điểm mạnh về xuất khẩu mới nổi và Chính phủ thì đã rất thành công trong việc ngăn chặn Covid-19. Cũng như Việt Nam, Nga cũng được đánh giá là quốc gia tiềm năng vì nhiều năm qua Tổng thống Vladimir Putin đã rất nỗ lực để giúp nước Nga không chịu áp lực tài chính nước ngoài, cơ chế phòng thủ sẽ ngày càng hiệu quả trong một thế giới phi toàn cầu hóa” – tờ New York Times nhận định.

Tuy nhiên vượt lên các nước, Đức vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất. Phản ứng của cường quốc này đối với đại dịch đã làm nổi bật những điểm mạnh sẵn có: Chính phủ ứng phó linh hoạt; nợ thấp; xuất sắc bảo vệ hàng xuất khẩu của mình ngay cả khi thương mại toàn cầu giảm; năng lực hoạt động của các công ty công nghệ trong nước ngày càng tăng…

Trong khi tại các quốc gia khác, công nhân bị sa thải hàng loạt thì tại Đức, hầu hết người lao động vẫn được làm trong biên chế nhờ Chương trình Kurzarbeit được thiết kế nhằm hỗ trợ các công ty vượt qua thời kỳ khó khăn mà không phải tìm đến phương án cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Nhờ vào chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ, trong nhiều năm qua Đức đã có thể mở rộng chương trình Kurzarbeit và nhiều chương trình khác. Bởi vì Đức đối mặt với đại dịch khi Chính phủ thặng dư ngân sách nên quốc gia này hoàn toàn có thể hỗ trợ nền kinh tế đang bế tắc của mình bằng các khoản chi trả trực tiếp cho các gia đình, cắt giảm thuế, cho vay kinh doanh và các khoản viện trợ khác lên tới 55% GDP, gấp gần 4 lần so với Hoa Kỳ nếu như tính theo tỷ trọng GDP.

Họ cũng sẵn sàng triển khai các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia láng giềng và động thái này được đánh giá là rất hào phóng và khôn ngoan bởi các quốc gia láng giềng hiện có khả năng mua hàng xuất khẩu của Đức tốt hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, Đức vẫn không từ bỏ mục tiêu cân bằng ngân sách. Vì phần lớn khoản chi tiêu này sẽ được lấy từ tiết kiệm nên nợ công của Đức dự kiến sẽ tăng lên. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, tổng nợ công của một trong những quốc gia hàng đầu EU này chỉ vào khoảng 2.000 tỷ euro, tương đương 82% GDP – một gánh nặng nợ nhẹ hơn nhiều so với Hoa Kỳ và các nước phát triển cao khác dù Đức đang chi tiêu cao hơn cho các gói cứu trợ kinh tế.

Để tránh sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng công nghiệp, đặc biệt là sang Trung Quốc trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, Đức đang đẩy mạnh hiện đại hóa các công ty sản xuất ô tô lớn vốn là các nhà xuất khẩu hàng đầu của quốc gia này. Theo đó Đức đang gây áp lực buộc các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải chuyển từ động cơ đốt trong vốn mang lại lợi nhuận cao sang những chiếc ô tô điện – sản phẩm của tương lai.

Ngoài ra hướng đến mục tiêu phát triển trở thành một cường quốc về công nghệ, Đức học tập Hoa Kỳ bằng cách dành khoảng 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển; đồng thời có kế hoạch dài hạn để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tương tự như Thung lũng Silicon, thúc đẩy nhà đầu tư mạo hiểm tiếp sức cho các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng.

Ngành công nghệ của Đức vốn không phải tượng đài bất khả xâm phạm, bằng chứng là sự sụp đổ đột ngột gần đây của Công ty Công nghệ tài chính Wirecard đòi hỏi các cơ quan quản lý tài chính của Đức phải đề cao cảnh giác. Hiện quốc gia châu Âu này đang tích cực thực hiện kế hoạch giải cứu nền kinh tế Đức bằng cách chi 56 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp có thể số hóa các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác. Cùng với Pháp, Đức cũng đã công bố các chương trình chuyển đổi số hướng đến mục tiêu tạo ra một mạng lưới công nghệ vững chãi tại châu Âu, có thể cạnh tranh ngang ngửa với hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc.

Minh Anh