Từ nay tới năm 2028, dòng vốn FDI không thể trở lại ngưỡng kỷ lục của năm 2016

Đây là nhận định trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cụ thể, dữ liệu của OECD) cho thấy năm 2020 dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới đã giảm 38% so với năm 2019 và đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Có thể thấy diễn biến tăng giảm của dòng vốn FDI có liên hệ mật thiết với khả năng đi lại của nhà đầu tư. Việc mua cổ phiếu tại một công ty sản xuất ở nước khác là một chuyện nhưng tự mua khu đất, xây cơ sở hạ tầng và nhà máy lại là chuyện khác, đòi hỏi nhà đầu tư phải đến tận nơi khảo sát, xin giấy phép đầu tư…. Hoạt động đi lại bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đã khiến dòng vốn FDI sụt giảm nghiêm trọng và khó có thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi hoạt động đi lại quốc tế được khôi phục trở về ngưỡng trước đại dịch.

Đặc biệt đối với phần lớn các quốc gia đang phát triển tại châu Á cần rất nhiều thời gian để phục hồi nền kinh tế, ngay cả với những nước đã có đủ năng lực tài chính để tiêm chủng thì tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 vẫn ở mức thấp. Dự báo từ nay cho đến hết năm 2021, các biện pháp hạn chế đi lại vẫn sẽ được áp dụng và thậm chí kéo dài lâu hơn nữa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy không có gì lạ khi dòng vốn FDI được dự báo cho đến năm 2028 vẫn sẽ không thể trở lại ngưỡng kỷ lục từng được thiết lập vào năm 2016.

Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu tư FDI cũng đã suy giảm do làn sóng bảo hộ dâng cao, đặc biệt là cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên các nền kinh tế. Nếu nhìn từ bên ngoài, đầu tư vào một số nền kinh tế mới nổi dường như đã duy trì tốt.

 Báo cáo tại Hội nghị của Liên hợp quốc (UN) về vấn đề thương mại và phát triển diễn ra vào đầu năm 2021 cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước thu hút vốn FDI đứng đầu thế giới. Cùng với Trung Quốc, dòng vốn FDI vào Ấn Độ cũng tăng lên đáng kể. Thế nhưng con số thống kê của đầu tư mới (đầu tư từ con số không chứ không phải đầu tư dựa trên các cơ sở sẵn có) tại nhóm các nền kinh tế mới nổi lại sụt giảm tới 43% và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Nhóm đón dòng vốn FDI tính trong tỷ lệ tương quan với tổng GDP thường là nhóm các nền kinh tế nhỏ giàu có như Singapore, Hong Kong hoặc nhóm nền kinh tế mới nổi. Năm 2019, vốn FDI tương đương 18,6% tại GDP Hungary; 13,5% tại Campuchia; 6,2% tại Việt Nam và 3,8% tại Brazil, tất cả đều trên ngưỡng 1,8% theo mức trung bình của thế giới.

Hiện tại nhóm các nền kinh tế mới nổi này đều đang phải gánh chịu tác động kép bởi đại dịch Covid-19. Khả năng hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia này vốn đã chịu hạn chế bởi không thể mạnh tay nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ như các nền kinh tế lớn, chứ chưa nói đến năng lực ứng phó với bất thường trong sự sụt giảm của FDI.

Ngọc Dung