Không phải tổng cầu, nguồn cung mới là yếu tố quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế

Khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dần phục hồi trở lại thì nền kinh tế toàn cầu lại phải đối mặt với thách thức lớn khác, đó là đảm bảo chuỗi cung ứng vốn đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy  trầm trọng…

Ngay khi nền kinh tế tái mở cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục, việc làm và thu nhập của người dân ngày càng ổn định đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tiêu dùng và đầu tư, giúp phục hồi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới. Dự báo trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là ở những quốc gia kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, triển khai tiêm chủng cho người dân nhanh chóng và nâng cao tính cảnh giác đối với các biến thể mới của virus.

Tuy nhiên khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới dần hồi phục trở lại thì rắc rối khác lại nảy sinh và được đánh giá là nghiêm trọng hơn, xuất phát từ vấn đề nguồn cung. Quả thực nếu so với tổng cầu thì nguồn cung bị đứt gãy là một thách thức trầm trọng hơn rất nhiều.

Sự tắc nghẽn cùng nhiều khó khăn khác (khan hiếm container rỗng khiến quá trình vận chuyển hàng hóa ngày càng khó khăn; làn sóng dịch bệnh mới tại các quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ; bất ổn địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu…) đang dần phá vỡ hàng loạt chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với vấn đề làm sao tìm kiếm nguyên liệu kịp thời, hiệu quả, kinh tế mà còn phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo từng mùa đối với sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra thách thức đối với doanh nghiệp còn đến từ sự thiếu hụt lao động. Sau khi Amazon và McDonald ra thông báo tăng mức lương đầu vào, nhiều doanh nghiệp khác cũng áp dụng theo nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân công ngày càng trầm trọng. Mức lương hấp dẫn kỳ vọng có thể thu hút những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quay trở  lại làm việc, tuy nhiên tỷ lệ này là rất nhỏ bởi lương tăng lên cũng chẳng thể giải quyết được những yếu tố cản trở họ quay trở lại làm việc như: không có người nhận trông trẻ, trường học tiếp tục đóng cửa, kỹ năng làm việc của người lao động không còn phù hợp….

Ông Mohamed A. El-Erian – Cựu CEO quỹ đầu tư PIMCO nhận định với hàng loạt rào cản mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt thì còn rất lâu nữa thách thức về nguồn cung mới được giải quyết. Nói cách khác, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện.

Nhằm ổn định lợi nhuận và công ăn việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp dễ đi đến quyết định tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh cùng với việc nâng cao hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại các khu công nghiệp sẽ là đòn bẩy tăng giá sản phẩm trong thời gian tới, từ đó quyền định giá của các doanh nghiệp cũng được nâng lên đáng kể.

Liên quan đến các chính sách, sự gián đoạn nguồn cung đòi hỏi Quốc hội Mỹ càng phải khẩn trương rà soát, xem xét các đề xuất đối với cơ sở hạ tầng. Điều này không chỉ giúp cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, nâng cao năng suất lao động mà còn khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, từ đó góp phần giảm thiểu các vấn đề về kỹ năng lao động.

Liên quan đến áp lực lạm phát thời gian qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng cần nghiên cứu và đưa ra thông báo kịp thời để chuẩn bị cho các chính sách phù hợp. Trong nhiều năm liền, các chuyên gia phân tích, dự báo luôn cho rằng thách thức lớn nhất mà các nước phát triển phải đối mặt là tổng cầu giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên trong thởi gian tới, không phải tổng cầu mà chính nguồn cung mới là yếu tố quyết định đến sự sống còn của các công ty, doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Việt Thành