Từ Asanzo nhìn lại vấn đề ghi nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam

Thời gian qua trên một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường nội địa. Trước vụ việc nghiêm trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xác minh và làm rõ các vi phạm của Asanzo.

Cụ thể Thủ tướng giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty CP Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7/2019

Trong trường hợp Asanzo, nhiều ý kiến đã cho rằng có dấu hiệu gian dối, đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vụ việc này cũng cho thấy yêu cầu cấp bách trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là quy định về xuất xứ hàng hóa.

Bảo vệ thương hiệu “Made in Vietnam”

Có thể thấy việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến các sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngành hàng trong nước, làm giảm tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Trước Asanzo, thời gian qua trong nước đã xuất hiện rất nhiều trường hợp gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.Có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Hàng hóa nước ngoài còn có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Hơn nữa Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng. Chính vì vậy việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo các cơ quan quản lý nhà nước, trước mắt việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ ngành sản xuất nội địa và xây dựng thương hiệu; đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tự tin khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và trên thế giới.

Trân Nguyễn