Trung Quốc với mối lo tăng trưởng kinh tế giảm tốc và những thách thức từ trong nội tại

Vừa qua Trung Quốc đã công bố tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế này trong quý II/2019 là 6,2%. Đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 27 năm qua.

Thậm chí trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc cũng không xuống dưới 6,4%. Riêng năm 2018, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt mức tăng trưởng 6,6%.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II/2019 có sự giảm tốc một phần do sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có sự sụt giảm, với lượng xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm đáng kể.

Theo các chuyên gia phân tích, nền kinh tế Trung Quốc đã được dự báo là bị tác động mạnh từ các ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động hơn 1 năm về trước. Cụ thể theo Steven Cochrane – Nhà kinh tế hàng đầu của APAC, các chính sách thuế hiện nay của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Còn chuyên gia Raymond Yeung của ngân hàng ANZ thì cho biết tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nếu quốc gia này không có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Ngoài tăng trưởng kinh tế giảm tốc và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ trong nội tại. Để tạo động lực tăng trưởng, thời gian qua chính quyền Bắc Kinh triển khai chiến dịch giảm nợ và các khoản cho vay rủi ro cao, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện khả năng tài chính của các công ty tư nhân thông qua việc khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các công ty này. Kết quả từ các động thái kích thích nền kinh tế là tổng giá trị các khoản cho vay mới trong 6 tháng đầu năm 2019 lên đến 9.670 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32,7 triệu tỷ đồng), mức cao kỷ lục tại các ngân hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nhà phân tích, bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc đòi hỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải có nhiều chính sách kích thích nền kinh tế hơn vào cuối năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tái khởi động một số chính sách trước đây, đơn cử như xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và nới lỏng việc kiểm soát thị trường bất động sản. Những động thái này có thể khiến mối lo ngại về mức nợ cao tăng lên, Trung Quốc sẽ phải đi vay nhiều hơn.

Dan Wang – Nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit cho biết trong 6 tháng tới, vai trò của chính sách tiền tệ sẽ rất hạn chế. Ngân hàng trung ương sẽ chỉ thực hiện các thay đổi trong chính sách nhắm vào những lĩnh vực cụ thể. Mặc dù chính sách tài khoá giữ vai trò lớn nhất song nếu xét về yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thì đầu tư vẫn là quan trọng bởi chỉ số tiêu dùng trong năm nay rất yếu” – bà Dan Wang nhấn mạnh.

Ngọc Anh