Trung Quốc và Đài Loan phủ bóng hội nghị thượng đỉnh NATO

Sự hiện diện của 4 nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này cho thấy Ukraine không phải là vấn đề an ninh lớn duy nhất trong chương trình nghị sự của liên minh phòng thủ châu Âu-Bắc Mỹ.

Cuộc chiến ở Ukraine đã đưa các thành viên của liên minh do Mỹ lãnh đạo xích lại gần nhau hơn bất cứ lúc nào kể từ Chiến tranh Lạnh, và hôm thứ Hai, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tổng kết những lo ngại chung của họ rằng những gì đang xảy ra ở Ukraine hôm nay có thể xảy ra ở châu Á vào ngày mai.

Ông Stoltenberg viết trên trang web Foreign Affairs: “Hành vi ngày càng cưỡng ép của chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài và các chính sách đàn áp ở trong nước thách thức an ninh, các giá trị và lợi ích của NATO”.

Ông nói, các quốc gia chuyên quyền, bao gồm cả Trung Quốc, đang xem xét các hành động của Nga ở Ukraine và cân nhắc chi phí cũng như lợi ích của hành động tấn công.

Hôm thứ Ba, liên minh do Mỹ lãnh đạo đã nhấn mạnh những lo ngại này, đưa ra một số ám chỉ đến Trung Quốc trong một thông cáo có ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra giữa hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày, trong đó liên minh nói rằng những tham vọng đã nêu của Bắc Kinh đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với “an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương”.

Trong khi lưu ý rằng liên minh vẫn “sẵn sàng cho sự can dự mang tính xây dựng” với Trung Quốc, thông cáo chỉ ra điều mà họ gọi là “mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc” giữa Bắc Kinh và Moscow và “những nỗ lực củng cố lẫn nhau của họ nhằm phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Thông cáo của các nhà lãnh đạo đã lên án luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của Trung Quốc.

Thông cáo lưu ý rung Quốc sử dụng “một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu ấn và sức mạnh toàn cầu của mình, trong khi vẫn không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội của mình,” đồng thời kêu gọi Bắc Kinh “không ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga dưới bất kỳ hình thức nào”.

Mặc dù cả Stoltenberg lẫn thông cáo chung đều không nhắc tới Đài Loan, nhưng nền dân chủ tự trị này là điểm so sánh rõ ràng nhất với các sự kiện gần đây ở châu Âu, do Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc vẫn cam kết thống nhất hòn đảo này với đại lục – bằng vũ lực nếu cần thiết.

Bộ Quốc phòng Đài Loan ghi nhận số lượng lớn máy bay quân sự Trung Quốc trên bầu trời quanh hòn đảo hôm thứ Tư sau khi thông cáo chung của NATO được ban hành.

Trong vài giờ sau 7 giờ sáng giờ địa phương, họ cho biết 30 máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã bị phát hiện, trong đó có 23 chiếc vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan hoặc đi vào khu vực đông nam và tây nam của vùng nhận dạng phòng không.

Hoạt động đó diễn ra sau 32 máy bay chiến đấu của Trung Quốc thực hiện các chuyến bay tương tự vào lúc 6 giờ sáng giờ địa phương.

Số lượng máy bay Trung Quốc cao nhất mà Đài Loan ghi nhận vượt qua đường trung tuyến là 56 vào tháng 10 năm 2021.

Kim Sun-hye, thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết ông Yoon sẽ chủ trì một cuộc họp bên lề của bốn quốc gia Thái Bình Dương nhằm tăng cường nhận thức chung, đoàn kết và hợp tác về các mối đe dọa an ninh mới nổi.

Nhật Hạ