Trung Quốc – Thị trường đầy thách thức của Boeing

Boeing cuối cùng cũng sắp đưa chiếc 737 Max của mình vào hoạt động trở lại tại Mỹ. Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với những thách thức trong thị trường hàng không quan trọng Trung Quốc, nơi mà những khó khăn kinh doanh của họ còn vượt ra ngoài khuôn khổ những chiếc máy bay chưa được cấp phép sử dụng.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vẫn chưa cho biết liệu họ có cho phép chiếc 737 Max bay trong nước hay không sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ bật đèn xanh cho máy bay này chở khách vào đầu tuần này. Mặc dù chính phủ Mỹ là một rào cản quan trọng đối với Boeing, nhưng hãng sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý hàng không khác trước khi các hãng hàng không có thể đưa máy bay đi giữa các điểm đến quốc tế.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu, cơ quan giám sát các chuyến bay ở châu Âu, cho biết họ dự kiến sẽ hành động vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2021.
Nhưng sự chấp thuận của Trung Quốc là rất quan trọng. Quốc gia này là nước đầu tiên ngừng sử dụng chiếc 737 Max vào năm ngoái sau khi hai trong số các máy bay phản lực bị rơi, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. CAAC hồi tháng trước cho biết họ có các tiêu chí riêng mà Boeing cần đáp ứng trước khi Trung Quốc hài lòng với chiếc máy bay này một lần nữa, bao gồm đảm bảo rằng những thay đổi về thiết kế của hãng là “an toàn và đáng tin cậy.”
Feng Zhenglin, giám đốc CAAC, cho biết vào tháng trước tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Miễn là họ đáp ứng các yêu cầu, chúng tôi rất vui khi thấy họ nối lại các chuyến bay. Nhưng nếu không, chúng tôi phải duy trì việc kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn”.
CAAC đã không trả lời yêu cầu bình luận từ CNN Business.
Một thị trường quan trọng
Sự chấp thuận của Trung Quốc không chỉ là cho phép chiếc 737 Max bay lại không phận Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của Boeing tại Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng sau nhiều năm chiến tranh về thương mại, công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Trung Quốc, và việc trở lại đúng hướng sẽ là một thách thức lớn.
Trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc là thị trường lớn của Boeing. Trong năm 2015 và 2016, doanh số bán hàng tại Trung Quốc lần lượt chiếm 13% và 11% tổng doanh thu của công ty, theo báo cáo hàng năm. Năm 2015, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Boeing và lớn thứ ba vào năm 2016.
Nhưng công ty đã không bán bất kỳ máy bay chở khách nào cho Trung Quốc trong hai năm qua vì những lý do “ai cũng biết”, theo Sherry Carbary, chủ tịch Boeing Trung Quốc, cho biết vào cuối năm ngoái. Hai chuyên cơ vận tải đã được China Cargo đặt hàng vào tháng 5.
Richard Aboulafia, phó chủ tịch phân tích của Teal Group Corporation, một công ty tư vấn hàng không vũ trụ, cho biết các vấn đề Trung Quốc của công ty này “nằm ngoài tầm kiểm soát của Boeing”.
Ông nói thêm: “Boeing khó có thể không bị cuốn vào mớ hỗn độn khổng lồ này, liên quan đến các rào cản thương mại, tranh chấp [sở hữu trí tuệ] và thuế quan”.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng biểu hiện theo những cách khác. Tháng trước, Bắc Kinh cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ – bao gồm Lockheed Martin (LMT) và Boeing – có liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Cạnh tranh trong nước
Boeing có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi họ đang tìm cách trở lại đường đua ở Trung Quốc.
Sự cạnh tranh của hãng với Airbus ngày càng sâu sắc, đặc biệt là sau khi Boeing bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng 737. Năm ngoái, vài tuần sau khi Trung Quốc ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 Max, Airbus đã công bố thỏa thuận bán 300 máy bay phản lực chở khách cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Tập đoàn Máy bay Thương mại mới nổi của Trung Quốc, hay Comac, cũng đang phát triển máy bay của riêng mình.
Capri nói thêm rằng Boeing cũng đã có thể xây dựng một chiến lược vững chắc ở Trung Quốc bằng cách cô lập các doanh nghiệp của mình ở nước này và giữ một số tài sản trí tuệ có giá trị hơn cũng như các hoạt động khác của mình ở nơi khác. Ông ám chỉ một nhà máy 737 ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nơi công ty thực hiện các công việc có giá trị thấp như lắp đặt nội thất.
Ngọc Thanh