Trung Quốc nỗ lực mở rộng phạm vi thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử

Sau 3 năm nỗ lực quảng bá, đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY) của Trung Quốc đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên nếu so với các ông lớn thanh toán di động như WeChat Pay, Alipay…, doanh số thanh toán và cơ sở người dùng của e-CNY vẫn còn rất khiêm tốn.

Một điểm chấp nhận e-CNY vào ngày 5/5/2021. Ảnh: Reuters

Thống kê cho thấy giai đoạn từ cuối 2019 đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị giao dịch của e-CNY là 83 tỷ nhân dân tệ (tương đương 12 tỷ USD). Hiện có gần 4,6 triệu nhà bán hàng chấp nhận thanh toán bằng e-CNY; tạo điều kiện cho người dân có thể sử dụng đồng tiền này để mua sắm, ăn uống, trả thuế, trả lương nhân viên.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn còn phải đi một chặng đường dài để chinh phục thị trường bởi nếu so với hai nền tảng thống trị là WeChat Pay của Tencent, Alipay của Ant Group thì doanh số thanh toán và cơ sở người dùng của e-CNY vẫn còn rất nhỏ nhoi. Chỉ riêng giao dịch hàng tháng của Alipay đã đạt trung bình 10.000 tỷ nhân dân tệ (gần 1.500 tỷ USD). Đáng chú ý, hai gã khổng lồ công nghệ này đã chiếm tới 90% thị trường thanh toán di động của Trung Quốc.

Muốn thu hẹp khoảng cách hiện nay đòi hỏi giới chức Bắc Kinh phải đầu tư lớn vào công nghệ. Để xử lý được khối lượng giao dịch khổng lồ, họ cần chi hàng tỷ nhân dân tệ để xây dựng trung tâm dữ liệu, bổ sung máy chủ và tăng băng thông. PBOC cũng phải thiết lập và sửa đổi các quy định hiện hành về tài chính, thuế, kế toán và thống kê không phù hợp với e-CNY.

Do e-CNY đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, chính vì vậy mới đây PBOC đã tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thử nghiệm đồng tiền điện tử này, tăng cường xây dựng kịch bản thí điểm và tăng cường hợp tác quốc tế. Tuy nhiên việc mở rộng sẽ gặp thách thức vì người tiêu dùng đã quen với Alipay và WeChat Pay.

Để đảm bảo chức năng cơ bản nhất của tiền tệ là phương tiện để người tiêu dùng trao đổi hoặc thanh toán, Viện nghiên cứu tiền tệ điện tử của PBOC đặt mục tiêu e-CNY sẽ sớm đạt được trải nghiệm tương tự tất cả các công cụ thanh toán khác trên thị trường.

Thông thường các ngân hàng trung ương có hai lựa chọn phát triển tiền điện tử gồm: tiền điện tử bán buôn (chủ yếu được phát hành cho các tổ chức như ngân hàng thương mại và phục vụ các giao dịch có giá trị lớn); tiền điện tử bán lẻ (được phát hành cho các cá nhân và doanh nghiệp để giao dịch hàng ngày). Ngay từ đầu Trung Quốc đã định hình cho e-CNY là tiền điện tử bán lẻ, đó là lý do Bắc Kinh khởi động quá trình quảng bá cho e-CNY bằng việc các chính quyền địa phương tặng tiền để người dân mua sắm.

Bước tiếp theo là cải thiện việc sử dụng cũng như sự gắn bó của e-CNY với người dùng và người bán. Theo đó PBOC sẽ thúc đẩy tích hợp e-CNY sâu hơn cho công chúng và doanh nghiệp; hỗ trợ quản lý quỹ và dịch vụ trả lương cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; đồng thời hỗ trợ các dịch vụ công như thuế và các giao dịch của chính phủ.

Ở thời điểm hiện tại, việc ứng dụng e-CNY cũng đã vượt ra ngoài tiêu dùng. Cụ thể trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản, kể từ tháng 6/2022, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc bắt đầu cho phép khách hàng sử dụng e-CNY để mua các sản phẩm quản lý tài sản. Trong lĩnh vực tiêu dùng trả trước như cho thuê căn hộ dài hạn và gia sư, đã có nhiều trường hợp nhà cung cấp dịch vụ bỏ trốn với số tiền trả trước của người dùng và e-CNY được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ đắc lực ngăn chặn tình trạng này.

Tháng 12/2021, nền tảng giám sát cho thuê căn hộ dựa trên e-CNY đầu tiên ở Thâm Quyến đã được Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Huawei Technologies chính thức giới thiệu ra công chúng. Đến tháng 5/2022, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và chính quyền quận Phủ Điền (Thâm Quyến) cùng lập nền tảng trả trước e-CNY đầu tiên cho ngành giáo dục.

Theo các mô hình lưu ký dựa trên e-CNY, tiền trả trước của người tiêu dùng sẽ được lưu trong ví tiền điện tử cá nhân và họ dùng đến đâu mới chuyển cho người bán đến đó, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro rằng người tiêu dùng  sẽ bị quỵt tiền.

Hiện nay PBOC thực hiện không tính phí đối với các ngân hàng và các tổ chức khi chuyển đổi và lưu hành e-CNY; ngược lại các ngân hàng, tổ chức cũng không tính phí chuyển đổi của khách hàng. Đây là một trong những giải pháp của Ngân hàng Trung ương nhằm tăng cường sự chấp nhận của công chúng đối với đồng tiền điện tử này

Dĩ nhiên chính sách miễn phí này không là vĩnh viễn. Ông Mu Changchun – Giám đốc Viện nghiên cứu tiền điện tử của PBOC cho biết về dài hạn, họ cần phải phát triển theo định hướng thị trường và cho phép các thể chế thị trường tham gia vào hệ thống một cách lành mạnh, bền vững. Các ngân hàng có thể miễn phí chuyển đổi e-CNY cho người tiêu dùng cá nhân nhưng có thể tính phí đối với các tổ chức khác như các công ty bảo hiểm, các nền tảng trực tuyến….

Do e-CNY là đơn vị tiền tệ của Trung Quốc nên việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong hệ thống e-CNY cũng sẽ tương tự như đối với tiền mặt. Điều này đồng nghĩa với e-CNY cũng sẽ được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và luật pháp Trung Quốc về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, các biện pháp và yêu cầu pháp lý đối với e-CNY sẽ có sự điều chỉnh. Theo đó tại một cuộc họp hồi tháng 3/2022, PBOC đã kêu gọi đưa ra cấu trúc pháp lý hướng tới tương lai để đảm bảo an ninh cho e-CNY. Trung Quốc muốn thắt chặt luật pháp xung quanh đồng tiền này để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và chống lại các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thậm chí chính quyền Bắc Kinh đã lên kế hoạch cải thiện các quy định, bao gồm thiết lập cơ chế điều chỉnh việc sử dụng thông tin khách hàng nhằm đảm bảo tính bảo mật của e-CNY. Theo đó, các tổ chức điều hành có thể đăng ký quyền truy cập thông tin người dùng để phân tích và giám sát rủi ro khi có các giao dịch nghi ngờ bất hợp pháp.

Nguyệt Anh