TP.HCM – Vươn tầm trung tâm dịch vụ bất động sản hàng đầu khu vực và cả nước
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tp.HCM theo hướng dịch vụ và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố từ nay đến năm 2030, UBND Tp.HCM quyết định xúc tiến xây dựng Đề án “Xây dựng Tp.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước”.
Theo đó, Trung tâm dịch vụ bất động sản Tp.HCM sẽ trở thành nơi giới thiệu các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản như: Thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ… các thông tin này do chính các sở, ngành liên quan của Thành phố cung cấp chính xác, nhanh chóng… Từ đó người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất để an cư…
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến, là địa phương có thị trường bất động sản hoạt động sôi nổi nhất nước, Tp.HCM hoàn toàn có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Tp.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước”. Trước mắt UBND Thành phố giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (IThành phốC) làm đầu mối phối hợp với các Sở, ban ngành (Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tưu, Giao thông – Vận tải, Hiệp hội Bất động sản Thành phố. Hồ Chí Minh) nghiên cứu xúc tiến xây dựng Đề án này.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho biết để trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, khách hàng trong nước lẫn quốc tế, Tp.HCM cần phải đáp ứng được 4 yêu cầu cơ bản: thị trường bất động sản Thành phố phải tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế, phát triển bất động sản theo hướng xanh và thông minh, sản phẩm bất động sản đa dạng; môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản phải minh bạch, bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản phải được cập nhật đầy đủ, trung thực, theo thời gian thực mà mọi người đều truy cập được; phát triển đồng bộ cả cơ sở hạ tầng vật thể lẫn phi vật thể.
Ngoài ra để xây dựng Tp.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, ông Châu cũng đề xuất Thành phố cần tập trung thực hiện 6 giải pháp gồm: giải quyết 3 điểm nghẽn về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; phát triển thị trường bất động sản với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng đầu mối cung cấp thông tin thị trường bất động sản (cơ quan đầu mối, cổng thông tin) đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; sớm hoàn thành xây dựng Trung tâm triển lãm tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại Tp.HCM để vừa phục vụ cho thị trường bất động sản vừa phục vụ các lĩnh vực khác; các doanh nghiệp bất động sản cần hợp tác, liên kết chặt chẽ, hiệu quả để tiếp tục giữ vững vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản nước ta hiện nay và hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Thanh Tuấn