Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và những khoản nợ “khủng”

Được xem là “ông lớn” về phát triển đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng trên phạm vi cả nước song Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đồng thời là “con nợ” lớn với số nợ lên đến 79.000 tỷ đồng – gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Chính thức ra mắt hoạt động từ ngày 12/2/2004 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (được điều chỉnh đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng), VEC là đơn vị nòng cốt, chủ lực xây dựng và phát triển các dự án đường cao tốc tại Việt Nam và là 1 trong 16 doanh nghiệp, tổng công ty thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông&Vận tải. Sắp tới đây VEC sẽ được chuyển về chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tính đến nay VEC đã đầu tư và vận hành một số tuyến đường cao tốc quan trọng như Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Đà Nẵng – Quảng Ngãi…Mỗi dự án do VEC đầu tư đều có quy mô lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, do vậy doanh nghiệp này có tổng tài sản khá lớn, đạt hơn 89.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017. Trong số các doanh nghiệp nhà nước và không tính ngân hàng, quy mô tài sản của VEC chỉ đứng sau 5 Tập đoàn lớn là PVN, EVN, TKV, Viettel và VNPT.

Việc huy động vốn của VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR (vốn vay thương mại) của Ngân hàng phát triển châu Á (ABD), nguồn IBRD (Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển) của World Bank và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình. Do vốn chủ sở hữu của VEC khá nhỏ, chỉ đạt 9.800 tỷ đồng nên để sở hữu khối tài sản khổng lồ hơn 89.000 tỷ đồng, VEC cũng phải gánh khoản nợ phải trả lên đến 79.000 tỷ đồng – gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu; trong đó hơn 18.300 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại 60.500 tỷ đồng là nợ dài hạn. Các khoản vay này thường có thời hạn dài, từ 20-30 năm và có lãi suất khá thấp. Trong đó chủ nợ lớn nhất của VEC là ABD với tổng dư nợ gốc tính đến cuối năm 2017 là hơn 1,3 tỷ USD, tương đương gần 30.000 tỷ đồng; chủ nợ lớn thứ hai là Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) với khoản vay 25.000 tỷ đồng (123,8 tỷ JPY). Ngoài ra VEC còn nợ một số khoản vay khác từ World Bank.

Do vay lượng ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án nên biến động tỷ giá tác động rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2016, VEC ghi nhận khoản lỗ tỷ giá gần 2.200 tỷ đồng – đây là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ trước thuế 903 tỷ đồng. Sang năm 2017, do tỷ giá ổn định hơn nên lỗ tỷ giá của VEC chỉ còn 368 tỷ đồng và doanh nghiệp này có lãi đến 938 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, VEC sẽ đạt khoảng 3.397 tỷ đồng doanh thu trong năm nay và thu về gần 366 tỷ lãi ròng sau thuế.

Nguyễn Cường