Toàn cảnh bức tranh khai thác, tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu trên 1,76 tỷ USD; đồng thời nhập về gần 10 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu trên 5,15 tỷ USD. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam vẫn xuất khẩu dầu thô trong khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn mỗi năm?

Sản lượng khai thác dầu thô có xu hướng giảm

Năm 2021, Việt Nam khai thác gần 11 triệu tấn dầu thô gồm: 9,1 triệu tấn từ các mỏ trong nước; gần 1,9 triệu tấn từ các mỏ nước ngoài mà PVN hợp tác, đầu tư. Trong 6 năm trở lại đây, sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục giảm, bình quân giảm khoảng 1 triệu tấn/năm

Sở dĩ khai thác dầu thô ngày càng khó khăn hơn trước là do việc gia tăng trữ lượng (hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại các bể/mỏ mới để bù vào sản lượng khai thác hàng năm) giảm đáng kể; thêm vào đó số lượng mỏ dầu khí mới phát hiện cũng đang có xu hướng giảm. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 7 phát hiện dầu khí mới tại các mỏ Kèn Bầu, Sói Vàng, Mèo Trắng Đông, trong khi đó trong giai đoạn 2011-2015 con số này là 24

Thêm một nguyên nhân khiến sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục giảm là do các hợp đồng dầu khí được ký mới hay việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò cũng giảm so với trước đây. Cụ thể trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 3 hợp đồng được ký mới, giảm 7 lần so với giai đoạn 2011-2015. Các mỏ dầu khí chủ lực, quy mô lớn như Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng…đều đang trong tình trạng giảm sản lượng khai thác hoặc độ ngập nước cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó các mỏ mới tìm kiếm được gần đây lại có quy mô nhỏ, nằm ở các khu vực địa chất, địa lý phức tạp, vùng nước sâu khó tiếp cận và cần chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao.

Tại sao xuất khẩu dầu thô rồi lại nhập về?

Hiện nay 1/3 lượng dầu thô khai thác trong nước sẽ được xuất bán; 2/3 còn lại dành để phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là cung ứng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất thiết kế sản xuất lên đến 6,5 triệu tấn/năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu trên 1,76 tỷ USD; đồng thời nhập về gần 10 triệu tấn dầu thô để lọc với giá trị nhập khẩu trên 5,15 tỷ USD. Lượng dầu thô nhập về chủ yếu sử dụng cho hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, trong đó Nhà máy Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu. Điều này cũng phần nào lý giải nguyên nhân vì sao kể từ năm 2018 – thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại, lượng dầu thô Việt Nam nhập khẩu mỗi năm đều tăng hơn gấp đôi.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam là quốc gia khai thác, xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập dầu thô về lọc là nhằm tối ưu hóa kỹ thuật, kinh tế cũng như hiệu quả hoạt động của các nhà máy lọc dầu.

Thực tế cho thấy dầu thô có nhiều chủng loại, đặc tính khác nhau; mỗi loại dầu cũng sẽ sản xuất ra các thành phẩm và các sản phẩm hoá dầu khác nhau như xăng, dầu diesel, dầu hoả, mazut….Chính vì vậy mỗi nhà máy lọc dầu cũng sẽ được thiết kế công nghệ sử dụng các loại dầu thô khác nhau. Đơn cử Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến; trong khi đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên những năm gần đây lượng khai thác dầu từ mỏ này ngày càng sụt giảm, trong khi số dầu khai thác từ các mỏ khác lại không tối ưu hoá với công nghệ của nhà máy buộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải nhập thêm dầu thô phù hợp để về lọc. Chưa kể việc tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu đưa vào chế biến giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất đa dạng nguồn nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ và dầu nội địa khác ngày càng suy giảm sản lượng. Song song đó Nhà máy này cũng đã thử nghiệm thành công việc pha dầu thô nhập từ nước ngoài với giá thành thấp (tỷ lệ pha 20%) nhưng vẫn cho ra sản phẩm tốt, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra việc Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn nhập dầu thô còn xuất phát từ nguồn lợi nhuận có được do chênh  lệch giá. Có thể thấy dầu thô của Việt Nam khai thác, nhất là từ mỏ Bạch Hổ là loại dầu ngọt, lượng lưu huỳnh thấp (thường <0,5%), nên có thể xuất bán với giá cao hơn nguồn dầu từ khu vực Trung cận Đông.

Tóm lại việc xuất khẩu dầu thô sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2022, PVN khai thác hơn 3,6 triệu tấn dầu thô, doanh thu đạt 24.100 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 85% dự toán năm. Theo ghi nhận của một chuyên gia kinh tế, việc xuất bán dầu thô lúc giá cao và mua lại được lúc giá tốt không chỉ đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn giúp tối ưu hoá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể lúc dư thừa mà không sử dụng được, không trữ được thì phải bán đi. Việc Việt Nam khai thác rồi vừa xuất bán, vừa nhập khẩu dầu thô về chế biến là hoàn toàn bình thường.

Nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, 30% phải nhập khẩu

Mỗi năm 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn sẽ cung ứng cho thị trường trong nước từ 10-13 triệu m3, tấn xăng, dầu thành phẩm các loại; đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng xăng, dầu trong nước, trong đó tỷ trọng cung ứng của Nghi Sơn khoảng 35%, có thời điểm lên tới 40%. Ngoài ra còn một số nhà máy khí ngưng tụ (condensate) như PVOil Phú Mỹ, Đông Phương, Sài Gòn Petro… có công suất sản xuất trên 600.000 m3, tấn một năm.

Với nhu cầu tiêu dùng cả nước mỗi năm 20,5-21 triệu m3, tấn, nguồn cung từ sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu dùng cả nước, 30% còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước. Các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan…), Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Bình quân giai đoạn 2016-2020, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 11,5 triệu m3, tấn xăng dầu thành phẩm các loại. Xu hướng nhập khẩu giảm đáng kể vào năm 2021, với 6,9 triệu m3, tấn khi nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc dầu trong nước tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đầu năm 2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất vì khó khăn tài chính khiến sản lượng xăng dầu nhập khẩu tăng lên do phải bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ nhà máy này. Dự kiến năm nay lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu khoảng 7,4 triệu m3, tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với kế hoạch trước đó.

Trong khi nhập về một phần ba tổng nhu cầu tiêu thụ cả nước, Việt Nam cũng xuất khẩu bình quân hơn 2 triệu tấn các sản phẩm xăng dầu, mà chủ yếu là sản phẩm từ hoá dầu, đi các nước. Thị trường nhập khẩu các mặt hàng này lớn nhất từ Việt Nam là Campuchia, chiếm gần 30% tổng lượng xuất khẩu. Kế đến là Singapore 20%, Trung Quốc hơn 10%…

Việt Anh