Tín hiệu lạc quan cho đàm phán thương mại Mỹ – Trung tháng 10 tới

Với hy vọng đàm phán thuận lợi và đạt đến thỏa thuận thương mại, bên cạnh việc công bố giảm thuế với 16 loại mặt hàng của Mỹ, Trung Quốc có dự định sẽ mua thêm nông sản của Mỹ.

Hiện nay các quan chức cấp cao Trung Quốc đang tập trung thảo luận các nội dung của thoả thuận thương mại sẽ được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xem xét vào tháng 10 tới tại Washington. Được biết văn bản này được thiết lập trên cơ sở một bản thảo mà 2 bên đã thảo luận hồi tháng 4 nhưng sau đó bị xóa bỏ bởi Trung Quốc đòi rút lại những phần quan trọng về luật sở hữu trí tuệ.

Trong cuộc điện đàm mới đây với những quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ, Bắc Kinh đề nghị mua nông sản Mỹ nếu Washington nới lỏng các hạn chế với Huawei và hoãn lại các khoản thuế mà ông Trump nói sẽ tiếp tục áp vào hàng hóa Trung Quốc trong thời gian tới. Trung Quốc cũng sẽ đồng ý mở cửa thị trường rộng hơn, bảo đảm tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ và cắt giảm công suất sản xuất công nghiệp thừa.

Chỉ vài tuần nữa thôi, các cuộc đàm phán sẽ chính thức diễn ra và hiện tại các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp. Hôm 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các đại diện thương mại Mỹ rằng Bắc Kinh muốn một giải pháp được cả 2 bên đồng thuận đối với mâu thuẫn thương mại.

Trong một cuộc họp khác với CEO của Citigroup Michael Corbat, ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối thương chiến và hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp xây dựng một thỏa thuận thương mại song phương và một mối quan hệ kinh tế ổn định, bền vững với Mỹ. “Bắc Kinh luôn chào đón dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ. Chúng tôi đang mở cửa thị trường và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách vì quyền lợi của các nhà đầu tư– Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định.

Hồi tháng 5, thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung bị sụp đổ khi đã qua 10 vòng đàm phán và hai bên đồng thuận được 90% nội dung thỏa thuận bao gồm cả thoả thuận về vấn đề tiền tệ. Sang tháng 7, hai nước tiếp tục nối lại đàm phán nhưng vẫn không có sự tiến triển nào. Các chuyên gia cho biết Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa theo văn bản trước đó, nhưng Trung Quốc lại khăng khăng không đồng ý các quy tắc thương mại Mỹ đưa ra; đồng thời ra điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan. Tức giận trước yêu cầu của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tái áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 10. Sẵn sàng ăn miếng trả miếng, Trung Quốc cáo buộc Mỹ nêu ra đòi hỏi vô lý và xâm phạm tới chủ quyền, đồng thời tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ. Cuộc chiến thuế quan giữa hai bên lại tiếp tục gia tăng cho tới tháng 9 này, khi Trung Quốc ngỏ ý muốn tái đàm phán.

Xoay quanh động thái mới của Trung Quốc, chuyên gia Scott Kennedy – Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nhận định: “Ai cũng biết rằng hai bên đều thiếu sự tin tưởng ở nhau và thoả thuận về đậu tương cũng không thể thay đổi điều đó. Sẽ hiệu quả hơn nếu họ hạn chế những động thái như vậy và thay vào đó là quay trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt.”

Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo đang ra sức kêu gọi người dân chuẩn bị cho cuộc đấu tranh dài hạn. Trong bài phát biểu ngay 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và giữ vững tinh thần chiến đấu trong một cuộc chiến lâu dài với rất nhiều rủi ro. Nhân đây, Trung Quốc cũng tuyên bố những bước tiếp theo để tự do hoá thị trường tài chính trong nước và thu hút vốn từ nước ngoài.

Kim Thoa