“Tiếp sức” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Công Thương yêu cầu không tăng giá điện trong quý I và II/2020

Nhằm đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp giữa lúc dịch bệnh Covid 19 hoành hành kéo dài, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Chỉ thị số 06 với nội dung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có yêu cầu không điều chỉnh tăng giá điện cho đến hết quý II/2020. Quyết định này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đảm bảo đủ điện cho phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội

Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện; trong đó có quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, trước ngày 25 tháng đầu tiên Quý II, Quý III và Quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân theo công thức quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định này (các thông số khác giữ nguyên không thay đổi).

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn hoặc cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, sau đó lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Hai Bộ này sẽ kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá. Trường hợp cần thiết Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.

Với quyết tâm trợ lực giúp doanh nghiệp đi qua khó khăn, tại Chỉ thị số 06, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước phối hợp tính toán, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá như giá điện. Trước đó, Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước Covid-19 cũng yêu cầu không tăng giá điện.

Kể từ khi dịch bệnh Covid -19  bùng phát bệnh đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã triệu tập nhiều cuộc họp, chỉ đạo các đơn vị đánh giá tác động của dịch đối với từng ngành hàng, từng lĩnh vực, trong đó có nhóm ngành năng lượng nói chung – điện nói riêng. Trên cơ sở đó Bộ chỉ đạo xây dựng kịch bản ứng phó để từng bước vượt qua khó khăn trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Theo đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc đảm bảo điện an toàn liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 trên toàn quốc. Đặc biệt tại Chỉ thị số 06, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp; Vụ Dầu khí và Than tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhiệt điện Long Phú I, Dự án Nhiệt điện Sông Hậu I; các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045; xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện; không được để thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong giai đoạn 2021 – 2025.

Với sự vào cuộc tích cực cùng sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bất chấp các tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Thiên Phú