Chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục hoành hành, nguy cơ lây nhiễm còn cao, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã ráo riết vào cuộc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch, đảm bảo đời sống và sinh hoạt của người dân

Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh

Để nắm bắt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác công tác phòng chống dịch, mới đây đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số Sở Công Thương địa phương.

Cụ thể tại Bắc Ninh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh – ông Phạm Khắc Nam cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, cơ quan này đã triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. “Để đảm bảo khối lượng hàng hóa cung ứng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Bắc Ninh đã tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nhu cầu thiết yếu của người dân và năng lực sản xuất của các nhà máy. Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đối với từng cấp độ của dịch bệnh, chúng tôi đều có các kịch bản ứng phó cụ thể” – ông Nam nhấn mạnh.

Đoàn công tác khảo sát tại chợ Cầu Kim, thành phố Bắc Ninh

Còn tại Bắc Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh – ông Nguyễn Văn Phương cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, được sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sở Công Thương Bắc Giang cũng đã quyết liệt vào cuộc, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, diễn biến cung cầu thị trường cũng như khảo sát đánh giá thực trạng giá cả hàng hóa trên địa bàn. Từ cơ sở dữ liệu này, Sở Công Thương Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cũng như có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo dõi sát sao diễn biến thị trường cũng như chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân. Ông Phương khẳng định: “Chúng tôi nêu cao quyết tâm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân”.

Đoàn công tác khảo sát tại siêu thị Co.opmart tại thành phố Bắc Giang

Cùng với Bắc Giang và Bắc Ninh, tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước nguồn cung hàng hóa đều khá dồi dào, giá cả lại ổn định, nhất là tại các thành phố lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, để đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân, các hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn Thủ đô đều tăng cường dự trữ hàng hóa. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp, hiện lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng từ 30%-40% và ngay từ đêm mùng 6/3, rạng sáng mùng 7/3/2020, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai cụ thể. Về phía các nhà cung cấp cũng đã lên kế hoạch luân chuyển hàng hóa từ các tỉnh đổ về hệ thống phân phối tại Hà Nội.

Tại Tp.HCM – trung tâm kinh tế của cả nước, người dân đã thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần; tình trạng thu gom, tích trữ hàng hóa thiết yếu dẫn đến khan hiếm cục bộ một số thời điểm. Để hạn chế tình trạng này, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn với 3 kịch bản cụ thể giao cho Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai. Theo đó Tp.HCM đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50-100% lượng hàng cung cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.

Còn tại Tp.Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Thành phố cùng với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại – siêu thị, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Lãnh đạo các siêu thị cũng đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc. Các siêu thị, chợ cũng thực hiện tư vấn cho người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào 1 loại chủng loại hàng hóa, tạo nên sụt giảm tức thời, ảnh hưởng tới tới người mua sắm bình thường khác.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương, các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế trực thuộc Bộ phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời điểm dịch bệnh diễn ra.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân

Về phía Vụ thị trường trong nước, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ đã thành lập đoàn công tác phối hợp với Cục Quản lý thị trường làm việc với Sở Công Thương ở một số địa phương. “Qua đánh giá ban đầu, chúng tôi nhận thấy Sở Công Thương các địa phương thực hiện rất tốt chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm; đồng thời đưa ra các phương án kế hoạch chuẩn bị hàng hóa rất tốt, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả, thủy hải sản, thịt lợn, đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng. Với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (sản xuất đường, sữa, dầu ăn…), có thể thấy nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Chính vì vậy người dân có thể yên tâm” – ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Xuân An