Thực hành tốt ESG góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đã dần nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của ESG và xem việc thực hành tốt ESG là công cụ góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

Việc thực hành ESG tốt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

ESG là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp, tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị doanh nghiệp (G). Trong đó tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên… Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như:quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên. Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích… Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, ESG đóng vai trò quan trọng giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp cam kết, hành động cũng như các rủi ro liên quan, các nỗ lực đã thực hiện và các kết quả thu được về bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội và quản trị

Tại Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững, đặc biệt là sau những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 cùng sự chuyển dịch nhanh chóng của thị trường quốc tế theo xu hướng kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn, ESG đã dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt. Theo đó nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đã triển khai thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau.

Cụ thể đối với doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn PAN Group…đã tiến hành xây dựng và công bố Báo cáo phát triển bền vững. Điển hình như PAN Group, doanh nghiệp này đã áp dụng những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt như ASC, BAP, Global GAP cho các vùng nuôi thủy sản; tăng cường ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong trồng trọt như SRI để giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai; cải tiến các công nghệ chế biến, kỹ thuật sản xuất trong thực phẩm để giảm rác thải, phát thải ra môi trường như chuyển đổi sang công nghệ hấp hạt điều không độc hại, hay áp dụng MFCA trong sản xuất bánh kẹo, áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội như BSCI, SEDEX…Thông qua việc thực hành tốt ESG đã giúp PAN đạt được những con số hết sức ấn tượng trong kinh doanh với doanh thu năm 2022 đạt 13.655 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2021; tương tự lợi nhuận sau thuế đạt 794 tỷ đồng, tăng 55,3%.

Về phía các doanh nghiệp nhà nước cũng đã công bố báo cáo phát triển bền vững ở các mức độ chi tiết khác nhau và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện ESG; trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được xem như gương doanh nghiệp điển hình về thực hành tốt ESG. Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng cho biết ba yếu tố Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp luôn được ban lãnh đạo PVN xem xét với trọng số như nhau vì Tập đoàn hiểu và đánh giá khi xem xét cả ba yếu tố này, kết quả hoạt động kinh doanh dài hạn sẽ tốt hơn.

Song song đó PVN cũng thiết lập cơ cấu quản trị ESG. Cụ thể ngoài cơ cấu tổ chức đã được thiết lập để quản trị tốt ESG (bao gồm Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, các ban chuyên môn), PVN còn thành lập các Ban chỉ đạo liên quan khác (Ban chỉ đạo chuyển dịch năng lượng do Tổng giám đốc Tập đoàn làm trưởng ban, Tổng giám đốc các đơn vị là thành viên) và Tổ quản lý rủi ro. Nhiệm vụ của Tổ quản lý rủi ro là nhận diện, đánh giá và đề ra các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả từ các rủi ro về tài chính, pháp lý, môi trường, quản trị trong quá trình hoạt động của Tập đoàn.

Về quản trị, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, giúp định hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai, PVN cũng đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Chiến lược phát triển Tập đoàn tầm nhìn đến năm 2045 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo thời gian, việc thực hành tốt ESG đã mang lại những hiệu quả vượt trên mong đợi. Khép lại năm 2022, dù bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều biến động song tổng doanh thu toàn Tập đoàn vẫn đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021. Càng tự hào hơn khi đây là mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử 61 năm hình thành và phát triển của PVN. “Với tầm bao quát sâu rộng, ESG không chỉ dừng lại ở những cam kết, hành động và báo cáo mà còn là hoạch định tương lai và quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Thông qua quá trình tự nhìn nhận, tự đánh giá, chúng tôi nhận thức được vẫn còn rất nhiều nội dung quan trọng PVN phải làm như: hoàn thiện chiến lược về ESG song song với hoàn thiện Chiến lược phát triển của Tập đoàn; liên tục cải tiến bộ máy quản trị ESG phù hợp để xây dựng các chỉ tiêu ESG cụ thể và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã thiết lập; tiếp tục đánh giá, lựa chọn các vấn đề trọng yếu và công bố thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy…”– ông Vượng chia sẻ.

Tín Doanh