Make in Việt Nam – Cơ hội cho doanh nghiệp điện tử chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu

Dự kiến tháng 10 tới đây, Triển lãm Chuyển đổi công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023 sẽ diễn ra tại Singapore. Là sự kiện giao lưu, xúc tiến quan trọng của các thương hiệu và doanh nghiệp điện tử trên khắp các châu lục và thế giới, ITAP 2023 kỳ vọng mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung – doanh nghiệp điện tử nói riêng cơ hội vàng để chinh phục các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm của doanh nghiệp điện tử Việt Nam với nhãn “made in Việt Nam” đã thực sự chinh phục người dùng ở nhiều thị trường xa gần

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, quý I/2023, trong số 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên thì điện thoại – linh kiện và điện tử – máy tính lần lượt chiếm hai vị trí dẫn đầu. Kết quả này cũng phần nào cho thấy thời gian qua các sản phẩm của doanh nghiệp điện tử Việt Nam với nhãn “made in Việt Nam” không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia mà còn tự tin chinh phục người tiêu dùng trên toàn cầu, kể cả những thị trường khó tính nhất. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 chỉ có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng chứ không thể ngăn cản đà chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp điện tử Việt.

Dự báo trong thời gian tới, sự tăng trưởng của ngành điện tử trong nước sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, đặt trong bối cảnh các thương hiệu điện tử toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để từ đây mang những sản phẩm ở phân khúc chất lượng cao đi phân phối trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội ngàn năm có một đòi hỏi doanh nghiệp điện tử Việt Nam phải nắm bắt và khai thác hiệu quả. Bài toán đặt ra lúc này không chỉ dừng lại ở việc tận dụng cho được cơ hội mà còn phải làm sâu sắc thêm hình ảnh của các sản phẩm điện tử “made in Việt Nam” từ chính cơ hội vàng này

Trong đó hai yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp điện tử Việt tận dụng tốt cơ hội này gồm: bảo đảm chất lượng sản phẩm; tăng cường kết nối với các đối tác nước ngoài để ổn định về mặt xuất khẩu sản phẩm. Nếu đáp ứng được hai yếu tố này, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả mọi cơ hội phát triển để vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, châu Á cũng như tạo lập vị thế vững chắc hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng đồng thời là cơ hội vàng để gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm điện tử “made in Việt Nam” với các đặc thù chất lượng cao, giá thành lại tốt hơn, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu dài hạn.

Còn nếu nhìn sâu hơn vào khía cạnh thị trường, có thể thấy bên cạnh sản xuất các sản phẩm điện tử “made in Việt Nam”, cũng đã đến lúc doanh nghiệp Việt bắt đầu tính đến chuyện đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm make in Việt Nam. Có như vậy thì việc thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu mới thực sự bền vững và có ý nghĩa bởi đây là giải pháp ưu việt nhằm tạo kết nối dài lâu với các thị trường và hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Hoàng Bảo