Thúc đẩy doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do FTA mà Việt Nam là thành viên, sáng 23/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin tới đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Các hiệp định thương mại tự do.

Theo nhận định của các đại biểu tham gia buổi làm việc, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cần thiết phải thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc hướng dẫn cụ thể tới doanh nghiệp các tiêu chí, nguyên tắc ưu đãi của các hiệp định FTA. 

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc, đối với nhóm các Hiệp định FTA truyền thống hoặc thế hệ mới giai đoạn đầu, cam kết chủ yếu tập trung và thương mại hàng hóa. Việc thực thi đòi hỏi Việt Nam phải có các văn bản quy phạm pháp luật mới về thuế quan ưu đãi, quy tắc xuất xứ và tổ chức việc cho hưởng ưu đãi thuế quan, cấp chứng nhận xuất xứ. Các văn bản cơ bản được ban hành kịp thời phù hợp với cam kết, rõ ràng, đảm bảo việc thực hiện FTA trên thực tế. Đối với các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, các vấn đề cam kết rộng, một số tiêu chuẩn cao trong các cam kết khác biệt so với pháp luật Việt Nam. Do đó, một số hệ thống pháp luật hiện hành phải được sửa đổi, điều chỉnh như các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, mua sắm công, hải quan và kiểm tra chuyên ngành, đầu tư…

Theo khảo sát 8600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam do VCCI công bố tháng 3/2019, tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu chỉ là thiểu số. Thấp nhất là FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là hiệp định AEC (3%). Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế Quốc tế nói chung, hội nhập FTA nói riêng. Cụ thể, ngoại trừ các vấn đề về cải thiện điều kiện lao động, ở tất cả các khía cạnh được khảo sát như đầu tư cho nhân lực, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu môi trường, yêu cầu nội địa hóa… tỷ lệ chiếm 54-62% doanh nghiệp cho rằng khó hoặc rất khó để đáp ứng các yêu cầu này.

Qua ý kiến thảo luận cho thấy hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết, cách thức thực hiện và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết “Cái khó nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may khi thực hiện CPTPP và chuẩn bị cho EVFTA là vấn đề chứng nhận xuất xứ. Mặc dù các cam kết khi đàm phán các Hiệp định hướng tới mục tiêu lâu dài là Việt Nam tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên, cho việc này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Riêng đối với Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong thời gian tới, các ý kiến thảo luận cũng đưa ra giải pháp và kiến nghị liên quan đến lộ trình sửa đổi pháp luật. Theo đó cần tính đến các yêu cầu không chỉ các cam kết EVFTA mà cần bao trùm các yêu cầu điều chinh pháp luật để tận dụng hiệu quả của hiệp định như mở cửa thị trường, bảo hộ đầu tư…hoặc đối phó với những thách thức của EVFTA. Với các cam kết cần nội luật hóa và có lộ trình ngay khi hiệp định có hiệu lực, cần có kế hoạch lập pháp, lập quy với thời hạn tương ứng, tránh tình trạng chậm trễ.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao nỗ lực của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI trong việc chuẩn bị Báo cáo nghiêm túc, kỹ lưỡng, cụ thể. Những vấn đề nêu ra tại cuộc làm việc này sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát tiếp tục làm rõ thêm tại các cuộc làm việc tới đây với Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thanh Nga