Bóc mẽ chiêu lừa đảo đằng sau các combo du lịch giá rẻ

Bao lâu nay tháng 7 luôn là mùa cao điểm du lịch, chi phí du lịch đắt đỏ nên nhiều khách hàng ráo riết săn lùng các tour du lịch giá rẻ. Đánh vào tâm lý này, các công ty, phòng bán vé du lịch tung loạt combo giá rẻ gom tiền của khách rồi cao chạy xa bay

Vụ phòng vé Anh Anh – chiêu lừa cũ vẫn có tác dụng

Một vụ việc gần đây gây xôn xao dư luận khi hàng loạt khách hàng và nhân viên bán combo du lịch lên tiếng tố phòng vé Anh Anh (Núi Trúc, phố Núi Trúc, Ba Đình Hà Nội) lừa đảo. Chủ phòng vé này tuyển hàng chục cộng tác viên bán combo vé máy bay và khách sạn ở các điểm nghỉ dưỡng thu hút như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Tiền trao nhưng vé chưa xuất, gần tới ngày khởi hành khách hàng ngã ngửa khi chủ phòng vé đã ôm tiền của khách cao chạy xa bay. Được biết số tiền chủ phòng vé Anh Anh đã thu của khách hàng ước tính lên đến khoảng 10 tỷ đồng.

Tại sao chiêu lừa đảo của chủ phòng vé Anh Anh dù không mới mẻ vẫn khiến nhiều người sập bẫy? Được biết để tạo niềm tin cho những cộng tác viên bán combo du lịch giá rẻ, phòng vé này đã tổ chức cho nhiều đoàn khách đi du lịch với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Facebook, thu hút cả trăm người bán combo du lịch cho phòng vé.

Trước phản ánh của vụ khách hàng và nhân viên bán combo du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản gửi Công an Tp.Hà Nội, UBND quận Ba Đình và Công an quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xác minh xử lý thông tin phản ánh. Bất ngờ thay, dù hoạt động được một thời gian song phòng vé Anh Anh không hề kê khai, không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng không có thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch.

Tránh bẫy lừa đảo

Thật ra chiêu bán tour giá rẻ rồi ôm tiền khách bỏ trốn không hề mới mẻ. Thời điểm cuối tháng 6/2019, nhiều khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến công an phường 14, quận 3 về sự việc bị công ty Mai Linh Chi (trú tại hẻm 468/2, Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) nợ tiền tour du lịch nước ngoài. Cụ thể nhiều nạn nhân phản ánh công ty này đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng trước song có những lịch trình đáng lẽ phải xuất phát từ năm 2018 thì đến 2019 – tại thời điểm khách hàng tố cáo công ty thì vẫn không được thực hiện; các tour đi du lịch nước ngoài của khách hàng liên tiếp bị hoãn

Được biết tổng số tiền công ty Mai Linh Chi  thu của khách ở thời điểm 2019 lên đến 3 tỷ đồng. Bất cập nằm ở chỗ dù không tổ chức tour du lịch song công ty này cũng không chịu hoàn tiền cho khách; thậm chí có những khách hàng mất tới vài trăm triệu đồng. Kéo đến trụ sở công ty để đòi lại tiền thì hấy biển công ty đã bị xé bỏ; Facebook cũng thông báo công ty đã phá sản khiến khách hàng chỉ còn biết than trời.

Anh Phạm Minh Tuấn – một hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại Hà Nội cho biết không thể đổ lỗi cho sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng mà sự thật là các đại lý du lịch có rất nhiều chiêu thức tinh vi để dụ khách. Thêm vào đó các đại lý, cộng tác viên trước đây đã có sẵn lượng khách hàng ổn định song vì khó khăn sau dịch Covid-19 cũng sẵn sàng “trở mặt”, ôm tiền của khách cao chạy xa bay. “Để tránh sập bẫy lừa đảo, các khách hàng nên so sánh giá mà đại lý mình mua đưa ra so với các đại lý khác trên thị trường. Rất khó để có mức giá rẻ từ 50-70% so với gói du lịch thông thường, nhất là với các tour hút khách nội địa như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Thậm chí, có những tour mà chi phí cho 1 người đi Đà Nẵng trong 3 ngày 2 đêm chỉ 2 triệu đồng/người – chưa bằng tiền vé máy bay di chuyển thì chắc chắn là lừa đảo. Hiện nay có rất nhiều công ty lữ hành uy tín, khách hàng nên thông qua kênh uy tín để đặt gói du lịch cho hành trình của mình, tránh tình trạng “tiền mất tật mang” – anh Tuấn khuyến nghị.

Minh Anh