Thông tin về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về thương mại ở châu Á: Ông không thể trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà người tiền nhiệm của ông đã đưa Mỹ rút khỏi năm 2017.

Vì vậy, Biden đã nghĩ ra một sự thay thế. Trong chuyến thăm của Biden đến Tokyo, hôm thứ Hai, Mỹ  đã thông báo về các quốc gia đang tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới (IPEF).

Những quốc gia nào tham gia IPEF?

13 quốc gia bao gồm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là một phần của sáng kiến ​​thương mại. Những nước khác trong danh sách thành viên ban đầu gồm Australia, Brunei, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Chương trình của IPEF là gì?

Không giống như các khối thương mại truyền thống, các thành viên IPEF không có kế hoạch đàm phán về thuế quan và dễ dàng tiếp cận thị trường – một công cụ ngày càng trở nên khó chấp nhận với cử tri Mỹ vì lo sợ sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Thay vào đó, chương trình dự kiến ​​sẽ tích hợp các đối tác thông qua các tiêu chuẩn đã thống nhất trong bốn lĩnh vực chính: nền kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.

Thông báo hôm thứ Hai báo hiệu sự bắt đầu của các cuộc đàm phán giữa các quốc gia tham gia để quyết định nội dung cuối cùng trong khuôn khổ. Theo nghĩa rộng, đó là một cách để Mỹ đặt dấu mốc cho thấy cam kết tiếp tục là một thế lực hàng đầu ở châu Á.

Những nước nào khác có thể tham gia?

Nhà Trắng cho biết IPEF sẽ là một nền tảng mở. Nhưng nó đã vấp phải sự chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể là một nhóm “độc quyền” dẫn đến bất ổn lớn hơn trong khu vực.

Hiện có một số vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong việc thành lập IPEF. Đảo Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ, đang bị loại khỏi hiệp ước. Sự loại trừ này là rất đáng chú ý vì Đài Loan cũng là nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu.

Đàm phán kéo dài bao lâu?

Theo một quan chức chính quyền Mỹ, các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ kéo dài từ 12 đến 18 tháng, một mốc thời gian tích cực cho một thỏa thuận thương mại toàn cầu.

Trúc Anh